Nguồn lực quan trọng giảm nghèo, tạo việc làm

Hà Hiền| 31/10/2019 07:50

(HNM) - Từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nhiều hộ gia đình ở xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) đã mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Những kết quả đạt được tại xã Đại Đồng là minh chứng cho thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách là nguồn lực quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo an sinh xã hội tại các địa phương.

Một mô hình sản xuất nông nghiệp ở xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) cho hiệu quả kinh tế cao.

Chuyện về một người khuyết tật

Thời trẻ, anh Nguyễn Như Thuận, thôn Minh Nghĩa, xã Đại Đồng từng nuôi dưỡng ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương. Nhưng, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, không may anh Thuận bị bệnh thấp khớp nặng và biến chứng của bệnh khiến lưng anh bị gù cong, khớp gối, cổ chân teo dần, không thể đi lại, vận động bình thường. Hằng ngày phải di chuyển bằng nạng, xe lăn, anh Thuận vẫn cố gắng học nghề sửa chữa điện tử để có thể tự nuôi sống bản thân. Biết nghề, anh trở về địa phương, xin vào làm tại một số cửa hàng sửa chữa điện tử.

Khi vững tay nghề, anh quyết tâm mở cửa hàng sửa chữa điện tử. Bắt tay thực hiện kế hoạch, khó khăn lớn nhất anh Thuận gặp phải đó là nguồn vốn. “Đã có thời điểm, tôi buộc phải đi vay vốn tín dụng đen với lãi suất cao để làm ăn. Lãi mẹ đẻ lãi con, khiến cuộc sống của gia đình tôi vốn đã khó khăn, lại càng thêm vất vả”, anh Thuận nhớ lại.

Giữa lúc không biết phải làm sao thì anh Thuận được các hội, đoàn thể giới thiệu, tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thạch Thất. Anh Thuận bàn bạc với các thành viên trong gia đình xin vay vốn dành cho lao động là người khuyết tật. Sử dụng nguồn vốn vay 20 triệu đồng vào năm 2011 để mua sắm trang, thiết bị, cộng với trình độ tay nghề vững vàng, cửa hàng sửa chữa điện tử của anh Nguyễn Như Thuận nhận được sự tin tưởng của khách hàng gần xa.

Chăm chỉ làm ăn, đến nay, anh Thuận đã có nguồn thu ổn định khoảng 150-200 triệu đồng/năm, trả hết nợ, đưa gia đình thoát khỏi diện hộ cận nghèo và đang có tích lũy để từng bước vươn lên làm giàu. Đáng quý hơn, anh Thuận còn hỗ trợ dạy nghề cho một số thanh niên trong vùng, trong đó có những người không may bị khuyết tật vận động. Theo anh Nguyễn Như Thuận: “Phần lớn những gì mà gia đình tôi có được hôm nay đều nhờ nguồn vốn cho vay ưu đãi giải quyết việc làm. Sử dụng nguồn vốn này, những lao động thuộc đối tượng chính sách yên tâm làm ăn do lãi suất thấp, thời hạn cho vay kéo dài”.

Phao “cứu sinh” cho người nghèo

Chứng kiến hành trình vươn lên của anh Nguyễn Như Thuận, trong những năm gần đây, nhiều gia đình ở xã Đại Đồng đã mạnh dạn vay vốn tín dụng chính sách. Chị Nguyễn Thị Minh, thôn Minh Nghĩa kể: Năm 2017, sau nhiều năm làm thuê cho các xưởng may tại địa phương, chị đã vay mượn của anh em, bạn bè để mở xưởng may tại nhà. Năm 2018, chị làm hồ sơ vay vốn giải quyết việc làm từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thạch Thất và được giải quyết cho vay 25 triệu đồng. Từ các nguồn vốn vay, chị mua thêm máy móc, nguyên liệu để mở rộng quy mô sản xuất. Hiện nay, các thành viên trong gia đình chị Minh đã có việc làm, nguồn thu nhập trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng; đồng thời tạo việc làm cho 10 lao động khác với mức thu nhập từ 4 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Cùng ở thôn Minh Nghĩa, cùng sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm, gia đình chị Đỗ Thị Sáu Phượng đã phát triển mô hình kinh tế trang trại, mang lại thu nhập khoảng trên 200 triệu đồng/năm… Tính chung, xã Đại Đồng đã có hàng trăm lượt hộ gia đình được vay vốn để giải quyết việc làm trong những năm vừa qua.

Đến xã Đại Đồng, ai nấy đều nhận thấy, những khu ruộng ngập úng, hoang hóa trước đây, nay đã trở thành những trang trại cho hiệu quả kinh tế cao. Xóm, làng nhộn nhịp những đoàn xe ra, vào chở hàng hóa. Đời sống của người dân đổi thay từng ngày, số hộ nghèo còn lại không đáng kể… Theo đánh giá của UBND xã Đại Đồng, kinh tế - xã hội trên địa bàn xã phát triển nhanh là nhờ mỗi người dân, mỗi hộ gia đình có tinh thần, ý chí vươn lên, biết cách sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để thoát nghèo. Trong đó, nguồn vốn tín dụng ưu đãi để giải quyết việc làm có vai trò như phao “cứu sinh” đối với người lao động nghèo.

Còn ông Dương Quốc Mạnh, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thạch Thất đánh giá: Những kết quả đạt được tại xã Đại Đồng là minh chứng cho thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách đã, đang góp phần tạo điều kiện cho người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là nguồn lực quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn lực quan trọng giảm nghèo, tạo việc làm