Huyện Chương Mỹ: Phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế

Ánh Dương| 09/10/2019 07:17

(HNM) - Có vùng đất bãi màu mỡ ven sông với tổng diện tích hơn 3.000ha, nông dân huyện Chương Mỹ đã tận dụng lợi thế, phát triển nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho hiệu quả kinh tế cao...

Xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ) có tổng diện tích 154ha đất bãi ven sông Đáy. Sau nhiều lần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay xã có khoảng 50ha trồng cây ăn quả, còn lại là diện tích chuyên canh rau màu tập trung ở các thôn: Đại Từ, Ứng Hòa, Duyên Ứng… Sản phẩm rau màu của xã chủ yếu là su hào, cải bắp, hành lá, rau thơm, ngô, lạc… Người dân xã Lam Điền liên tục trồng gối các loại rau theo mùa vụ trên đồng đất bãi ven sông Đáy nên cho thu nhập khá, từ 12-20 triệu đồng/sào/năm. Ông Nguyễn Văn Kiệm, một trong những hộ gia đình có diện tích canh tác rau xanh lớn ở thôn Đại Từ cho biết: Gia đình chủ yếu trồng hành lá, cải bắp, cải ăn lá các loại, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Tương tự, các hộ gia đình ông Nguyễn Viết Bàng, Nguyễn Đình Súy… không chỉ trồng rau theo mùa vụ trên diện tích được giao, mà còn thuê đất ở các thôn lân cận để mở rộng diện tích canh tác.

Không chỉ tập trung phát triển mô hình trồng rau, cây ăn quả, xã Lam Điền còn hỗ trợ nông dân xây dựng các trang trại chăn nuôi xa khu dân cư trên vùng đất bãi ven sông Đáy. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Lam Điền Nguyễn Văn Luận chia sẻ: Trang trại chăn nuôi tập trung ở vùng bãi của thôn Lương Xá có hàng trăm hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và khoảng 50 trang trại quy mô lớn với diện tích rộng từ 1 mẫu trở lên. Mỗi trang trại lớn chăn nuôi 1.000-1.200 con lợn và 5.000-10.000 con gà...

Với hơn 100ha vùng đất bãi, nông dân xã Thượng Vực cũng đã chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng các loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao, như: Bưởi Diễn, cam Canh, nhãn, chuối với thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, còn có một số hộ dân ở thôn An Thượng, Trung Vực Ngoài… phát triển nghề trồng cây cảnh với các loại cây thế, cây bonsai như xanh, si, lộc vừng… trên diện tích khoảng 7ha. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thượng Vực Cao Văn Định cho biết: Năm 1995-1996, xã có vài hộ gia đình làm nghề trồng cây cảnh. Do lợi nhuận khá lớn nên đến nay toàn xã đã có hơn 40 hộ gia đình theo nghề này. Nhiều hộ có thu nhập tới hàng tỷ đồng/năm, như các gia đình ông Nguyễn Bá Kỳ, Cao Đình Khải (thôn Thượng Vực), Nguyễn Văn Sỹ (thôn Trung Vực Ngoài)…

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Hoàng Văn Thám cho biết: Toàn huyện có hơn 3.000ha đất bãi, tập trung trên địa bàn 9 xã: Phụng Châu, Thụy Hương, Lam Điền, Hoàng Diệu, Thượng Vực… được thành phố và huyện định hướng phát triển thành các vùng chuyên canh trồng rau màu, cây ăn quả và chăn nuôi xa khu dân cư. Theo quy hoạch của thành phố, vùng trồng rau chuyên canh của Chương Mỹ có tổng diện tích 237ha, đến nay toàn huyện đã thực hiện được hơn 180ha, chủ yếu trên địa bàn các xã, thị trấn: Chúc Sơn, Thụy Thương, Lam Điền…; vùng trồng cây ăn quả tập trung ở các xã: Lam Điền, Hoàng Diệu, Văn Võ, Phú Nam An… với các loại cây nhãn, bưởi, cam, chuối. Riêng xã Phú Nam An chủ yếu trồng chuối tiêu hồng. Do nông dân học hỏi, nắm bắt kinh nghiệm khá tốt nên chuối tiêu hồng ở Phú Nam An đạt tiêu chuẩn và đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. 

"Phát huy những tiềm năng, lợi thế, thời gian tới, huyện Chương Mỹ sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên vùng đất bãi; đồng thời tập trung mở các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cho nông dân để tiến tới nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, hướng tới mở rộng thị trường tiêu thụ...", ông Hoàng Văn Thám nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Chương Mỹ: Phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế