Đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết nông sản

Ngọc Quỳnh| 09/10/2019 07:13

(HNM) - Huyện Mê Linh đã và đang tích cực hỗ trợ nông dân đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Bước đầu, các mô hình đã phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho nông sản an toàn...

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong (xã Tiến Thịnh) Nguyễn Thế Lâm cho biết, diện tích trồng cây ăn quả của hợp tác xã hơn 20ha, chủ yếu trồng ổi, đu đủ, bưởi, táo... Trước đây, sản phẩm trái cây của địa phương rất khó tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Thế nhưng, khi xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản và được chứng nhận vùng trồng quả theo tiêu chuẩn VietGAP, đến nay sản phẩm của hợp tác xã đã có mặt ở nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận Hà Nội. Qua đó, tạo thu nhập ổn định cho các thành viên của hợp tác xã với mức thu nhập 500-700 triệu đồng/ha/năm từ trồng cây ăn quả.

Cũng nhờ xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản, nên thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của người dân xã Tráng Việt được cải thiện rõ rệt. Ông Võ Văn Tuấn, thôn Đông Cao cho hay: "Với hơn 1ha trồng rau, trước đây khi vào vụ thu hoạch, đều bán qua thương lái hoặc mang ra chợ đầu mối. Nhưng từ năm 2017, huyện Mê Linh hỗ trợ người dân xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau, củ theo tiêu chuẩn VietGAP, nhờ đó mà mỗi tháng gia đình tôi bán được vài tấn rau, củ với giá cao hơn từ 10 đến 20% cho các doanh nghiệp, cửa hàng tiện ích. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu nhập 200-300 triệu đồng/ha...".

Đánh giá về hiệu quả của việc xây dựng chuỗi liên kết nông sản, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho biết: Đến nay, huyện đã hỗ trợ các hợp tác xã, người dân xây dựng thành công 7 chuỗi liên kết nông sản ở các xã: Tráng Việt, Tiến Thịnh, Đại Thịnh, Hoàng Kim, Văn Khê, Liên Mạc... Sau khi xây dựng chuỗi, huyện đứng ra làm cầu nối, giới thiệu nên có nhiều đơn vị cam kết tiêu thụ ổn định cho sản phẩm nông nghiệp. Hiện các hợp tác xã của huyện đã mở rộng việc ký kết hợp đồng cung cấp rau, củ, quả cho hơn 30 doanh nghiệp, đơn vị, hộ kinh doanh trong và ngoài thành phố. Sản lượng cung cấp cho các đơn vị tiêu thụ ngày càng tăng cao; giá trị sản phẩm tăng từ 15% đến 20% so với trước khi có liên kết chuỗi.

Bên cạnh kết quả đạt được, theo ông Phạm Thành Đô, việc phát triển chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản của huyện Mê Linh còn gặp một số khó khăn, xuất phát từ mối liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên. Nhiều nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, dẫn tới một số sản phẩm chưa bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp thu mua nông sản...

Để phát huy hiệu quả của các chuỗi liên kết nông sản của địa phương, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (xã Tráng Việt) Vũ Văn Kỳ kiến nghị: Huyện Mê Linh tiếp tục hướng dẫn người dân trên địa bàn huyện ghi chép sổ sách theo dõi quá trình sản xuất, in tem nhãn sản phẩm; hỗ trợ 100% kinh phí cho các hợp tác xã trong xây dựng thương hiệu, mã số mã vạch, mã QRcode để thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm...

Theo ông Đoàn Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh: Để thúc đẩy chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm phát huy hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản tập trung, trong đó ưu tiên chế biến các sản phẩm, như: Củ cải, chuối, gạo... nhằm giảm áp lực cho nông dân khi vào vụ hoạch. Ngoài kiến nghị thành phố hỗ trợ xây dựng địa điểm giới thiệu hàng nông sản đặc trưng, quảng bá thương hiệu sản phẩm..., huyện Mê Linh sẽ tiếp tục hỗ trợ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đẩy mạnh tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, người sản xuất trong việc duy trì, phát triển chuỗi liên kết…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết nông sản