Huyện Gia Lâm: Nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Ánh Dương| 07/10/2019 16:00

Vài năm trở lại đây, huyện Gia Lâm đã có nhiều đổi thay, phát triển vượt bậc, đặc biệt là từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung đô thị. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, toàn huyện đã triển khai 347/424 dự án; đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 231 dự án; đang tổ chức thi công 116 dự án; tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư 77 dự án.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết, đến nay, 100% tuyến đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn và gần 99% đường ngõ xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% tuyến đường rộng từ 2m trở lên được lắp đặt chiếu sáng, 100% thôn có nhà văn hóa và nơi sinh hoạt cộng đồng; đã triển khai thực hiện 16 dự án tuyến đường hạ tầng khung với tổng chiều dài 59,2km, tổng mức đầu tư hơn 4.900 tỷ đồng. Hiện, huyện đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư 42 tuyến trục chính khớp nối hệ thống giao thông với tổng chiều dài hơn 70km, tổng mức đầu tư khoảng 6.200 tỷ đồng…

Lễ khởi công dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh lộ 179, đoạn từ Dốc Lời đến ngã tư đường 181 (xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm).

Giờ đây, nông thôn Gia Lâm đã đổi mới, vệ sinh môi trường, cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Gia Lâm được Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2018. Đối chiếu với quy định xây dựng huyện thành quận, huyện đã đạt 24/27 tiêu chí, trong đó hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị đạt 19/21 tiêu chí.

Chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô với nhiều hoạt động thiết thực, ngày 7-10, huyện Gia Lâm khởi công 3 tuyến đường: Đường đê tả Hồng (dài 3,9km, tổng mức đầu tư 51 tỷ đồng); tuyến đường từ đường 179 đến đường gom Hà Nội - Hải Phòng (dài 1,1km, tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng); đặc biệt là dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường tỉnh lộ 179 đoạn từ Dốc Lời đến ngã tư đường 181, có chiều dài 2,3km, rộng 23m với 4 làn xe, nằm trên địa bàn các xã Đặng Xá và Phú Thị, được đầu tư xây dựng hiện đại, đồng bộ hệ thống chiếu sáng, cây xanh, thoát nước, hạ ngầm đường dây điện, dây viễn thông… Các tuyến đường có vai trò tăng cường năng lực giao thông đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Lễ khởi công dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh lộ 179, đoạn từ Dốc Lời đến ngã tư đường 181 (xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm).

Tại lễ khởi công, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng - đơn vị đại diện chủ đầu tư, phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu tập trung nhân lực, thực hiện các hạng mục công trình bảo đảm chất lượng, mỹ thuật, an toàn lao động và an toàn giao thông; đưa tuyến đường vào khai thác, sử dụng đúng tiến độ, hiệu quả.

Huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư, hoàn tất các thủ tục theo quy định để khởi công 9 tuyến đường hạ tầng khung vào cuối năm 2019 và trong năm 2020. Phấn đấu đến năm 2022, Gia Lâm cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng các tuyến đường hạ tầng khung, hoàn thành tiêu chí về giao thông và các tiêu chí xây dựng huyện thành quận.

* Cùng ngày, tại khu trưng bày sản phẩm gốm sứ Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm), UBND huyện Gia Lâm tổ chức họp báo về Lễ đón nhận quyết định và công bố điểm du lịch Bát Tràng, theo Quyết định số 3936/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 23-7-2019 về việc công nhận điểm du lịch Bát Tràng.

Họp báo về Lễ đón nhận quyết định và công bố điểm du lịch Bát Tràng.

Trước đó, năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã có Đề án quy hoạch đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại hai làng nghề điển hình có điều kiện phát triển đồng bộ, đó là làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) và làng dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông).

Làng gốm sứ Bát Tràng được biết đến là vùng địa linh có 9 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc; 2 di tích cách mạng kháng chiến gắn với Bác Hồ và là nơi nhạc sĩ Văn Cao in lần đầu tiên bài hát Tiến quân ca - sau này trở thành Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bát Tràng có khu làng cổ hàng trăm năm tuổi; gần 1.000 hộ đang sản xuất, kinh doanh gốm sứ; thu nhập của lao động làng nghề đạt 59 triệu đồng/người/năm...

Ban tổ chức Lễ đón nhận quyết định và công bố điểm du lịch Bát Tràng, huyện Gia Lâm cho biết, nhiều hoạt động nghệ thuật truyền thống, khai trương du lịch Bát Tràng, khai mạc hội chợ phiên, lễ rước tổ nghề gốm sứ, giới thiệu sản phẩm gốm sứ Bát Tràng, văn hóa ẩm thực Bát Tràng... sẽ diễn ra trong các ngày từ ngày 9 đến 13-10-2019 tại xã Bát Tràng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Gia Lâm: Nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô