Quận Hoàn Kiếm: Bảo đảm an toàn cho người dân là nhiệm vụ hàng đầu

Hà Hiền Nguồn: ghi| 06/10/2019 08:38

(HNM) - Xác định việc bảo đảm an toàn cho người dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, UBND quận Hoàn Kiếm vừa phát động chương trình “Kết nối cộng đồng, chung tay phòng, chống tai nạn thương tích - xây dựng cộng đồng an toàn” năm 2019. Trao đổi về vấn đề này, ông Đoàn Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm cho biết, quận sẽ triển khai nhiều giải pháp để mỗi người dân trên địa bàn biết tự bảo vệ bản thân, gia đình và những người xung quanh.

Tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích tại quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Minh Ngọc

- Hoàn Kiếm là quận trung tâm, có mật độ dân số đông, hoạt động giao thương diễn ra tấp nập, nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ gây tai nạn thương tích. Ông có thể cho biết rõ hơn những nguy cơ đó là gì, thường tồn tại ở đâu?

- Với mật độ dân số dày đặc, lên tới gần 160.000 người/km2, lại là nơi tập trung đông đảo du khách, lao động nhập cư, lưu lượng giao thông lớn, có sông Hồng chảy qua, nên trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích. Dễ nhận thấy là nguy cơ tai nạn giao thông, ngã, đuối nước, tai nạn lao động, tai nạn trong sinh hoạt… Các loại tai nạn này có thể xảy ra bất kỳ thời gian nào, ở bất cứ nơi đâu, với bất kỳ ai, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến cả tính mạng con người. Đặc biệt, tai nạn thương tích đối với trẻ em luôn là nỗi lo thường trực trong mỗi gia đình, trường học, cộng đồng.

- Nguy cơ đã thấy rõ, vậy thời gian vừa qua, quận Hoàn Kiếm triển khai những giải pháp nào để phòng, chống tai nạn thương tích, thưa ông?

- Nhận thức rõ mức độ nguy hại do tai nạn thương tích gây ra, quận Hoàn Kiếm đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống tai nạn thương tích - Xây dựng cộng đồng an toàn từ nhiều năm nay. Ban Chỉ đạo đã tích cực phối hợp với các phòng, ban, ngành, đoàn thể và UBND các phường trên địa bàn tập trung chỉ đạo, đề ra các giải pháp nhằm hạn chế tai nạn thương tích trong gia đình, trường học, cộng đồng. Hằng năm, Ban Chỉ đạo chủ động tham mưu cho UBND quận thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, duy trì công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong bảo đảm an toàn lao động, phòng chống cháy nổ tại các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp.

Cùng với đó, quận Hoàn Kiếm thành lập và kiện toàn đội ngũ cộng tác viên phòng, chống tai nạn thương tích tại cộng đồng; thường xuyên tập huấn nâng cao kỹ năng sơ cấp cứu trước viện cho cán bộ y tế, cộng tác viên. Ngoài ra, quận khuyến khích các phường trên địa bàn nâng cao chất lượng xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn”.

Với nhiều giải pháp đã triển khai, đến nay, quận Hoàn Kiếm đã có phường Lý Thái Tổ, Tràng Tiền, Hàng Bài… đạt cộng đồng an toàn theo tiêu chuẩn Việt Nam. Nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi.

- Được biết, quận Hoàn Kiếm đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2020, toàn quận có ít nhất 60% số hộ gia đình nhận thức được nguy cơ, chủ động phòng, chống tai nạn thương tích tại gia đình; giảm 80% nguy cơ tai nạn thương tích tại cộng đồng; 100% trường học xây dựng và đạt tiêu chí “Trường học an toàn”… Để đạt mục tiêu này, theo ông, các cơ quan chức năng cần làm gì?

- Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống tai nạn thương tích - Xây dựng cộng đồng an toàn quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích tại cộng đồng. Ngành Y tế với vai trò là cơ quan thường trực của chương trình sẽ phối hợp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về các nguy cơ tai nạn thương tích; quan tâm phát triển mạng lưới cộng tác viên sơ cấp cứu trước viện… Bên cạnh đó, mỗi gia đình, nhà trường, cộng đồng thường xuyên rà soát, đánh giá tác nhân, khoanh vùng địa điểm có nguy cơ gây tai nạn thương tích để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Theo các chuyên gia ngành Y tế, với địa phương có mật độ dân số dày đặc, nhiều hộ dân cùng sinh sống trong một biển số nhà như quận Hoàn Kiếm thì nguy cơ tai nạn thương tích dễ xảy ra bậc nhất đó là chập điện, điện giật. Để phòng, chống điện giật, các cá nhân, hộ gia đình cần kiểm tra, lắp đặt và sử dụng các thiết bị điện an toàn; không tiếp xúc với các nguồn điện hở; không sử dụng thiết bị điện khi tay ướt, chân không đi dép, đứng ở nơi ẩm ướt...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quận Hoàn Kiếm: Bảo đảm an toàn cho người dân là nhiệm vụ hàng đầu