Hợp tác xã Tâm An (Thường Tín): Nâng cao vai trò, vị thế nhờ cây dược liệu

Đào Huyền| 29/09/2019 08:01

(HNM) - Hợp tác xã Tâm An ở xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) là một trong số rất ít hợp tác xã chọn cây dược liệu để khai thác, kinh doanh và phát triển. Chỉ qua 2 năm hoạt động với những bước đi bài bản, đến nay, Hợp tác xã Tâm An trở thành một trong những đơn vị điển hình về sản xuất cây dược liệu và rau hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Tâm An Nguyễn Thị Thu, nguồn cây dược liệu của Việt Nam rất phong phú, đa dạng, mỗi loại cây có giá trị kinh tế và thế mạnh riêng. Khởi đầu mô hình trồng dược liệu, chị Thu chọn những loại cây quen thuộc như: Đinh lăng, chùm ngây, cà gai leo… để trồng. Chị cho hay, đây là những loại cây dễ trồng, chăm sóc đơn giản nhưng hiệu quả kinh tế cao. Với những mô hình dược liệu mới hình thành, nguồn vốn còn hạn hẹp thì những loại cây này khá phù hợp…

Sản phẩm thảo dược của Hợp tác xã Tâm An được giới thiệu tại Hội chợ xúc tiến thương mại ngành Nông nghiệp Hà Nội.

Xuất phát từ niềm đam mê với dược liệu và khát khao làm giàu trên đồng đất quê hương, chị Nguyễn Thị Thu cùng 6 thành viên khác cùng thuê đất và thành lập hợp tác xã vào năm 2017. “Ban đầu, dược liệu được trồng và bán thô cho các công ty dược tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Lấy ngắn nuôi dài, sau khi tích lũy được nguồn vốn, Hợp tác xã Tâm An đầu tư dây chuyền sản xuất các loại trà đóng gói từ dược liệu như: Trà chùm ngây, trà cà gai leo (trị bệnh), một số mỹ phẩm chiết xuất từ dược liệu… Những sản phẩm dược liệu ban đầu của hợp tác xã được đăng ký và xây dựng thương hiệu với tên “Tâm An”. Hiện, các loại trà và mỹ phẩm thảo dược Tâm An đã có mặt tại hầu hết hệ thống siêu thị lớn như: Lotte, Aeon Mall, Vinmart, T-mart…” - Giám đốc Hợp tác xã Tâm An Nguyễn Thị Thu chia sẻ.

Ngoài sản xuất dược liệu, tận dụng chất đất và khí hậu địa phương, Hợp tác xã Tâm An còn trồng các loại rau ngắn ngày theo thời vụ. Rau của hợp tác xã được trồng theo quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Theo thống kê của hợp tác xã, từ gần 5 sào trồng rau ăn lá, rau, củ theo mùa vụ, trung bình thu nhập đạt khoảng 3,8 triệu đồng/sào/vụ.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Tâm An Nguyễn Thị Thu, thành công hiện nay của hợp tác xã có sự hỗ trợ rất lớn từ Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội, như: Hướng hợp tác xã phát triển thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, hội nghị kết nối giao thương… Nhờ đó, sản phẩm của hợp tác xã đã đến với đông đảo người tiêu dùng; thu hút nhiều doanh nghiệp liên kết trong tiêu thụ.

Về hiệu quả của mô hình sản xuất của Hợp tác xã Tâm An, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Trung Thành nhận xét: Sản xuất dược liệu và các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang là hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung. Mô hình của Hợp tác xã Tâm An không chỉ giúp hợp tác xã và thành viên làm giàu mà còn thể hiện rõ vai trò của các hợp tác xã trong phát triển kinh tế tập thể tại địa phương. Đổi mới, phát huy vai trò các hợp tác xã cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để các địa phương nâng cao chất lượng trong xây dựng nông thôn mới...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác xã Tâm An (Thường Tín): Nâng cao vai trò, vị thế nhờ cây dược liệu