Huyện Gia Lâm: Áp dụng mô hình PGS để nâng cao chất lượng rau an toàn

Trung Nguyên| 25/09/2019 06:39

(HNM) - Để kiểm soát chất lượng rau an toàn, giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo lòng tin cho người tiêu dùng, huyện Gia Lâm tích cực thực hiện mô hình PGS (hệ thống bảo đảm cùng tham gia) để kiểm soát theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ rau an toàn, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng lượng tiêu thụ, tăng thu nhập cho nông dân.

Huyện Gia Lâm có 369,87ha được công nhận vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, trồng các loại rau chủ yếu như: Bắp cải, su hào, súp lơ, rau cải các loại, dưa chuột, bí ngô, rau dền, rau muống, rau gia vị… tập trung ở 6 xã: Văn Đức, Đặng Xá, Yên Thường, Yên Viên, Lệ Chi, Đông Dư. Để nâng cao chất lượng rau an toàn trên địa bàn, huyện Gia Lâm tích cực triển khai áp dụng hệ thống PGS tại các vùng sản xuất rau an toàn tập trung.

Nông dân xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm) chăm sóc rau an toàn. Ảnh: Phương Uyên

Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (xã Văn Đức) Nguyễn Văn Minh cho biết: Vùng trồng rau của xã có tổng diện tích 285ha, trong đó có 250ha trồng rau an toàn với hơn 1.000 hộ thành viên tham gia sản xuất. Mỗi năm, toàn xã thu hoạch hơn 30.000 tấn sản phẩm rau, củ, quả các loại. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm rau an toàn, giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc, xây dựng niềm tin với khách hàng, góp phần bảo đảm đầu ra ổn định, từ năm 2018, hợp tác xã xây dựng, duy trì 25 nhóm PGS tại các vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn; tập trung triển khai thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 20-30ha ở các thôn: Sơn Hô, Trung Quan, Chử Xá; thực hiện mô hình nhà màng, hệ thống tưới ứng dụng công nghệ cao; phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Gia Lâm hỗ trợ nông dân triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản QRcode…

Có sản phẩm an toàn, chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, hợp tác xã chủ động liên kết với khách hàng để tiêu thụ đầu ra ổn định. Sản phẩm rau, củ, quả an toàn của Văn Đức được các hệ thống siêu thị Aeon, Metro, các công ty: Thực phẩm Hoàng Đông, Davicorp, Khánh Thịnh, Nhân Hòa, Vifoco, Bảo An Huy, xuất khẩu Đài Loan (Trung Quốc) bao tiêu với số lượng ổn định.

Tính đến nay, các vùng trồng rau an toàn trên địa bàn huyện Gia Lâm đã thành lập và duy trì 110 nhóm nông dân sản xuất rau, quả an toàn quản lý theo PGS, mỗi nhóm có một nhóm trưởng phụ trách. Đánh giá cao hiệu quả của hệ thống PGS, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương ghi nhận việc giám sát trực tiếp toàn bộ quá trình sản xuất rau an toàn đã giảm được nhiều sai phạm nghiêm trọng, bảo đảm chất lượng sản phẩm, tạo được niềm tin với người tiêu dùng...

Trong quá trình triển khai mô hình PGS ở Gia Lâm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội chỉ đạo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cử cán bộ, nhân viên bám sát đồng ruộng, theo dõi diễn biến tình hình phát sinh dịch hại trên rau để ra thông báo về sâu bệnh chính xác, kịp thời, hạn chế thiệt hại do dịch hại gây ra trên rau; đồng thời, kiểm tra, hướng dẫn, giám sát nông dân trong sử dụng phân bón, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật, vệ sinh đồng ruộng... theo đúng quy trình sản xuất an toàn.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng cho rằng mô hình PGS đã giúp nông dân Gia Lâm nhận thức cụ thể hơn việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trên rau, áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, góp phần tăng năng suất cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân với doanh thu 400-600 triệu đồng/ha/năm. Qua đó, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người dân trong quá trình sản xuất - kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản xuất - tiêu thụ sản phẩm rau an toàn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Gia Lâm: Áp dụng mô hình PGS để nâng cao chất lượng rau an toàn