Huyện Sóc Sơn: Phát huy thế mạnh vùng đồi gò

Sơn Tùng| 13/09/2019 07:44

(HNM) - Huyện Sóc Sơn hiện có 19.000ha đất nông, lâm nghiệp, trong đó chủ yếu là đất đồi gò. Nhằm phát huy thế mạnh này, huyện đã có những định hướng đúng và trúng để phát triển sản xuất nông nghiệp, đem lại thu nhập cao cho nông dân.

Ếch Thái Lan

Sau nhiều năm tìm tòi, mạnh dạn đầu tư, anh Nguyễn Văn Kết (xã Bắc Phú) đã phát triển thành công trang trại nuôi ếch Thái Lan với quy mô lớn. Ngoài nuôi ếch, trang trại còn tư vấn chuyển giao kỹ thuật và cung cấp vật tư cho các cơ sở nuôi ếch tại 13 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Anh Nguyễn Văn Kết chia sẻ: “Năm 2006, với số vốn 5 triệu đồng, tôi đã mua 5.000 con ếch Thái Lan nuôi trên diện tích hơn 50m2 để bán ếch thương phẩm. Sau đó, tôi tiếp tục mở rộng và đến nay, quy mô trang trại đã lên tới 7.000m2. Mỗi năm, trang trại cung cấp cho thị trường từ 800.000 đến 1 triệu con ếch giống và 7-10 tấn ếch thương phẩm, thu lãi khoảng 800 triệu đồng”, anh Nguyễn Văn Kết cho biết.

Học tập kinh nghiệm của gia đình anh Nguyễn Văn Kết, mô hình nông dân tham gia nuôi ếch sinh sản đã mở rộng ra nhiều xã khác trên địa bàn huyện Sóc Sơn, như: Đông Xuân, Phú Cường, Tân Hưng, Nam Sơn, Bắc Sơn…

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Ngọc Tân thông tin, sau dồn điền đổi thửa, huyện đã định hướng quy hoạch các vùng sản xuất tập trung trong trồng trọt và chăn nuôi. Qua đó, hình thành các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư và vùng nuôi trồng thủy sản, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Trong trồng trọt, Sóc Sơn đã hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng; vùng rau an toàn, rau hữu cơ; vùng trồng hoa nhài; vùng trồng cây ăn quả với tổng diện tích gieo trồng hằng năm là 23.991ha, giá trị thu nhập đạt từ 300 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Nhờ tổ chức sản xuất tốt, huyện Sóc Sơn cũng đã xây dựng được 5 nhãn hiệu tập thể, hình thành 5 chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nông sản.

Tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng sản xuất nông nghiệp ở Sóc Sơn vẫn còn một số khó khăn. Cây lúa vẫn chiếm diện tích lớn, các cây trồng giá trị kinh tế cao chưa nhiều. Việc ứng dụng công nghệ cao và các khâu bảo quản, chế biến nông sản… còn hạn chế. Chẳng hạn, theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn Phạm Văn Đông, địa phương đã xây dựng được thương hiệu gà đồi. Tuy nhiên, khâu tiêu thụ vẫn còn nhiều khó khăn, giá cả không ổn định...

Để tháo gỡ khó khăn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh cho biết: Từ nay đến năm 2020, huyện sẽ giảm dần diện tích sản xuất lúa, ổn định còn 17.000-18.000ha theo hướng lúa chất lượng cao; phát triển các vùng rau chuyên canh thêm 400-500ha, trong đó ưu tiên rau hữu cơ, rau an toàn; mở rộng nghề trồng nấm ăn, nấm dược liệu công nghệ cao… Huyện cũng khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã… mở rộng và phát triển các vùng trồng hoa, cây cảnh, cây môi trường và giống cây lâm nghiệp thêm 100-150ha. Ngoài một số cây ăn quả đã đạt hiệu quả cao như: Bưởi Diễn, vải, cam Canh, đu đủ, chuối…, huyện sẽ thử nghiệm đưa một số giống cây ăn quả phù hợp với điều kiện tự nhiên như: Ổi Đài Loan, nhãn chín sớm, táo..., qua đó nâng diện tích trồng cây ăn quả toàn huyện đạt 1.500ha. Trong chăn nuôi, huyện phát triển mạnh chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, gia cầm, chim bồ câu, ếch thương phẩm và sản xuất con giống… 

Mặt khác, huyện Sóc Sơn sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng ở các vùng sản xuất nông nghiệp ổn định. Huyện tập trung phát triển hạ tầng phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; củng cố sản xuất, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật ở thôn và xã, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Sóc Sơn: Phát huy thế mạnh vùng đồi gò