Hiệu quả kinh tế vùng đất bãi Thanh Trì

Trung Nguyên| 11/09/2019 07:12

(HNM) - Những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất tập trung trên địa bàn huyện Thanh Trì đã góp phần làm tăng hiệu quả sử dụng đất và nâng cao thu nhập cho nông dân. Nhờ đó đến nay, toàn huyện đã có những vùng trồng rau, cây ăn quả tập trung cho hiệu quả kinh tế cao.

Sau dồn điền đổi thửa, các hộ dân ở xã Vạn Phúc chỉ còn 1-2 thửa đất canh tác. Đồng thời, UBND xã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu từ trồng ngô sang trồng cây có múi. Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Đại Lan (xã Vạn Phúc) Đặng Bá Thắng chia sẻ: Nhận thấy sản phẩm cam, bưởi và quất cảnh đang được thị trường ưa chuộng, khả năng tiêu thụ thuận lợi nên từ năm 2014-2015, một số hộ mạnh dạn chuyển đổi từ trồng ngô ở đất bãi ven sông Hồng sang trồng cam cảnh, quất cảnh, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Cũng nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong giai đoạn 2014-2016, xã được huyện Thanh Trì đầu tư hạ tầng giao thông thủy lợi nội đồng tại các vùng sản xuất tập trung; hỗ trợ 50% kinh phí mua giống cây và tổ chức lớp đào tạo nghề, tập huấn ngắn hạn về kỹ thuật trồng cam, quất, bưởi cho nông dân với tổng kinh phí hơn 2,25 tỷ đồng.

Đến nay, Vạn Phúc đã chuyển đổi được tổng diện tích 140ha sang trồng cây ăn quả tập trung, trong đó có 82ha đất bãi ven sông. Hằng năm, xã cung cấp cho thị trường hơn 10.000 cây cam cảnh, quất cảnh vào dịp Tết Nguyên đán, cho thu lãi khoảng 300 triệu đồng/ha/năm. Riêng diện tích trồng bưởi, từ năm 2017 bắt đầu cho thu hoạch, đạt 280 triệu đồng/ha/năm, cao hơn từ 6 đến 7 lần so với trồng ngô. Vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Vạn Phúc đã góp phần tạo việc làm ổn định cho hơn 4.000 lao động của địa phương.

Tương tự, tại xã Yên Mỹ nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay có 27ha cây ăn quả, chủ yếu là bưởi Diễn và vùng trồng rau an toàn với tổng diện tích 68ha. Ông Nguyễn Văn Thành ở thôn 3, xã Yên Mỹ phấn khởi: "Từ khi chuyển đổi, sản xuất rau an toàn, gia đình tôi trồng các loại rau, quả theo mùa vụ trên diện tích 6 sào đất bãi, nhờ đó có thu nhập ổn định từ 250 đến 300 triệu đồng/năm". Hay như ở xã Duyên Hà, sau khi trồng thí điểm 4.000m2 măng tây, bước đầu cho thu nhập cao, xã đã tiếp tục phát triển diện tích trồng măng tây lên 10.000m2. Hiện xã đang thực hiện thí điểm mô hình trồng hoa đào trên diện tích 3ha khu bãi phía Tây...

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh cho biết: Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 694ha canh tác sang trồng cây ăn quả tập trung, rau an toàn, sản xuất lúa chất lượng cao, trồng hoa, cây cảnh… Riêng 3 xã có đất nông nghiệp vùng bãi là: Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc còn được huyện đầu tư cơ sở hạ tầng cho 110/140ha vùng trồng rau an toàn tập trung, trong đó có 52ha đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra hằng năm, huyện bố trí 5 tỷ đồng để hỗ trợ giống, chuyển giao công nghệ, xây dựng các mô hình kinh tế mới ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như: Mô hình trồng rau thủy canh xã Yên Mỹ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp...

Không chỉ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh, tập trung, huyện Thanh Trì còn hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản bằng việc chủ động liên hệ, hướng dẫn các xã, hợp tác xã và hộ sản xuất ký kết hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm với các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã. Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo mỗi xã khảo sát, lựa chọn 1-2 vị trí quy hoạch làm điểm trưng bày, giới thiệu nông sản an toàn của huyện. Nhờ đó các sản phẩm rau an toàn và một số nông sản chủ yếu của huyện đã có kênh tiêu thụ ổn định với hơn 40% sản lượng, góp phần nâng giá trị thu hoạch trên diện tích canh tác lên 230-250 triệu đồng/ha/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả kinh tế vùng đất bãi Thanh Trì