Liên Hà làm theo lời Bác

Ngọc Quỳnh| 02/09/2019 08:01

(HNM) - Xã Liên Hà (huyện Đông Anh) trước đây là vùng đất chiêm trũng, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Thực hiện lời Bác căn dặn cách đây 55 năm khi Người về thăm, nhân dân Liên Hà chung sức phát triển kinh tế với nhiều ngành nghề dịch vụ… Đến nay, Liên Hà đã trở thành một trong những vùng quê giàu đẹp của huyện Đông Anh và thành phố Hà Nội.

Những ký ức vẹn nguyên

Thời gian như bóng câu qua cửa, đã hơn 55 năm ngày Bác Hồ về thăm thôn Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Đông Anh) nhưng với người dân nơi đây, sự kiện diễn ra vào đúng mùng Một Tết Giáp Thìn (13-2-1964) ấy vẫn là niềm tự hào đong đầy trong tâm trí...

Ông Nguyễn Văn Đống kể lại ngày Bác về thăm thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà.

Theo lời giới thiệu của cán bộ xã, chúng tôi tìm tới gia đình ông Đinh Văn Thiệm, nguyên là Chủ nhiệm Hợp tác xã Lỗ Khê, được Bác Hồ tới thăm nhân dịp Người về chúc Tết cán bộ và nhân dân thôn Lỗ Khê năm 1964. Đã hơn 80, qua cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông Thiệm vẫn nhớ, vẫn tràn đầy xúc động trong câu chuyện với chúng tôi: “Tháng 10-1963, Chi bộ thôn họp mở rộng với các đoàn thể bàn phương án khoanh vùng hai cánh đồng Bên Giầu và Đồng Mát nhằm khắc phục tình trạng nước lũ tràn vào đồng ruộng, gây ngập úng khi mưa. Sau đó, Hợp tác xã Lỗ Khê đã thành lập đội thủy lợi gồm 150 người, lấy thanh niên làm nòng cốt, chia làm 10 tổ trực tiếp thi công. Ngày 10-12-1963, công trình thủy lợi ngăn đồng, khoanh vùng được khởi công tại xứ đồng Bên Giầu, giúp 189 mẫu ruộng của thôn Lỗ Khê từ chỗ chỉ cấy được một vụ bấp bênh thành ruộng hai vụ lúa. Bên cạnh đó, với phong trào “Cần kiệm xây dựng hợp tác xã” từ 240 đồng tiền vốn, Hợp tác xã Lỗ Khê đã huy động được 15.000 đồng để làm 20 chuồng trại chăn nuôi, mua thêm 10 con trâu, 16 máy tuốt lúa... Phong trào đã có ảnh hưởng tích cực đến đời sống người dân và Lỗ Khê trở thành điển hình tiên tiến về phong trào tiết kiệm của miền Bắc...”.

Ông Thiệm tự hào kể tiếp câu chuyện: Đúng lúc ấy, một vinh dự lớn đến với cán bộ và nhân dân xã Liên Hà và thôn Lỗ Khê, vào sáng mùng Một Tết Giáp Thìn (13-2-1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm, chúc Tết và động viên toàn xã Liên Hà. Người đã tới chúc Tết hai gia đình liệt sĩ là gia đình bà Nguyễn Thị Nga và Nguyễn Thị Quát cùng ba gia đình khác. Thật vinh dự, trong số ba gia đình đó có gia đình tôi!...

Còn theo ông Nguyễn Văn Đống (năm nay 70 tuổi) ở thôn Lỗ Khê, thời điểm Bác Hồ về thăm, ông còn là một thiếu niên, được ngồi quây quần nghe Người nói chuyện ở đình làng. Ông Đống kể: “Sau khi thăm các gia đình, Bác ra đình làng chúc Tết và nói chuyện với cán bộ, nhân dân. Người biểu dương những nỗ lực cũng như thành tích của thôn Lỗ Khê; đồng thời, cũng chỉ rõ những mặt còn kém là vệ sinh làng xóm chưa tốt; việc trồng hoa màu, trồng cây và chăn nuôi chưa mạnh. Người căn dặn cán bộ và nhân dân phải thực hiện tiết kiệm hơn nữa để phát triển sản xuất”.

Cùng chung niềm tự hào, Bí thư thôn Lỗ Khê Nguyễn Văn Đạm cho biết thêm: “Lần về thăm thôn Lỗ Khê của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những cảm xúc không thể nào quên cho cán bộ và nhân dân xã Liên Hà, đặc biệt là cán bộ, nhân dân thôn Lỗ Khê. Ngày mùng Một Tết Giáp Thìn ấy đã đi vào lịch sử thôn Lỗ Khê và xã Liên Hà như một dấu son, nhất là với những người được gặp, được nghe Bác nói chuyện, căn dặn...”.

Liên Hà nhớ lời Bác căn dặn

55 năm qua, nhớ lời Bác căn dặn, cán bộ và người dân thôn Lỗ Khê nói riêng và xã Liên Hà nói chung đã đoàn kết một lòng, cần cù lao động, khai thác và cải tạo đất đai, tạo dựng nét riêng biệt của nông nghiệp vùng chiêm trũng. Chứng kiến sự thay đổi từng ngày của quê hương, ông Nguyễn Văn Long ở thôn Lỗ Khê phấn khởi nói: “Chưa bao giờ Liên Hà có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế như hiện nay. 80% người dân nơi đây làm nghề dịch vụ, thu nhập ổn định; đường làng, ngõ xóm được đầu tư sạch sẽ; trẻ nhỏ được học trong những ngôi trường khang trang; đời sống văn hóa tinh thần ngày càng được nâng cao...”.

Về tiến trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như thành tựu đạt được trong những năm qua, Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà Đỗ Thị Phượng cho biết: Với thành công của công cuộc thủy lợi hóa, toàn bộ đồng ruộng ông cha để lại, từ đồng chiêm trũng với hàng nghìn thửa gập ghềnh nhiều bậc, chỉ cấy được một vụ năng suất thấp, bấp bênh... đã được cải tạo thành ruộng bằng phẳng, mương máng tưới tiêu hoàn chỉnh với ba vụ đều đạt năng suất cao. Cùng với nông nghiệp, các nghề thủ công ở xã được mở rộng và có thêm nhiều nghề mới như: Mộc, sơn mài, làm bánh chưng… Cơ cấu kinh tế chuyển mạnh sang công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp, giải quyết cơ bản việc làm cho người dân, đến nay thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 50 triệu đồng/người/năm và chỉ còn 56 hộ nghèo.

Kinh tế phát triển, làng quê Liên Hà từ hơn 90% nhà tranh vách đất, nay được thay thế bằng những ngôi nhà nhiều tầng hiện đại; hệ thống giao thông, đường làng, ngõ xóm, nội đồng... được bê tông/nhựa hóa cao ráo, chắc chắn; nhiều công trình phục vụ dân sinh liên tục mọc lên; đời sống của các hộ dân ngày càng sung túc với tiện nghi đầy đủ…

“Ngày 2-9 này, xã Liên Hà sẽ tổ chức lễ dâng hương tại Nhà lưu niệm Bác Hồ ở thôn Lỗ Khê để tưởng nhớ Người. Khắc ghi lời căn dặn của Người, cán bộ, nhân dân nguyện cùng nhau hợp sức xây dựng Liên Hà thành xã giàu đẹp, văn minh của huyện Đông Anh, xứng đáng với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng vẻ vang của quê hương” - Chủ tịch UBND xã Liên Hà Phạm Văn Nam nêu quyết tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên Hà làm theo lời Bác