Huyện Mê Linh ưu tiên phát triển cây trồng có thế mạnh

Nguyễn Mai| 21/08/2019 07:41

(HNM) - Những năm gần đây, huyện Mê Linh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ưu tiên phát triển cây trồng có thế mạnh. Nhờ vậy, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, hiệu quả kinh tế cao...

Thời điểm này, vùng bãi ven sông Hồng của thôn Đông Cao, xã Tráng Việt bạt ngàn rau ăn lá, bầu, bí, cà pháo, củ cải... Chủ tịch Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao Vũ Văn Kỳ cho biết: Thôn Đông Cao có 200ha đất nông nghiệp, trong đó có 134ha đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn. Trung bình mỗi năm, thôn Đông Cao thu 35.000 tấn rau, củ, quả các loại. Người dân trong thôn đã và đang làm giàu từ nghề trồng rau xanh.

Hoa là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của huyện Mê Linh. Ảnh: Mạnh Dũng

Xã Mê Linh có truyền thống trồng hoa, các hộ dân cũng đang tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất, nên giá trị thu nhập cao. Anh Phạm Đức Tài, chủ nhà vườn Tài Lý cho biết: "Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng hoa hồng cắt bông, nhưng nay đã chuyển hơn 6.000m2 đất sang trồng cây hồng thế, giống ngoại nhập. Nhờ vậy, mỗi năm, vườn hồng đem lại cho gia đình tôi thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng".

Bí thư Đảng ủy xã Mê Linh Quách Sỹ Dũng cho biết: Không chỉ hộ gia đình anh Phạm Đức Tài, hơn 50 nhà vườn trên địa bàn xã Mê Linh đã chuyển sang trồng cây hoa hồng thế, cho thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô, huyện Mê Linh có hơn 8.500ha đất nông nghiệp. Trước đây, sản xuất nông nghiệp của huyện kém hiệu quả, năng suất cây trồng, vật nuôi thấp, thu nhập của người dân không ổn định. Mặt khác, do chưa xây dựng được chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nên đầu ra cho nông sản của huyện bấp bênh và thiếu tính bền vững...

Tháo gỡ khó khăn, huyện Mê Linh đã tập trung dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng: Giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích trồng cây có giá trị kinh tế cao. Đến nay, Mê Linh đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với hơn 500ha trồng hoa ở các xã Mê Linh, Văn Khê, Đại Thịnh, Kim Hoa; hơn 2.000ha trồng rau ở các xã Tráng Việt, Tiến Thắng, Tiền Phong, Văn Khê...  

Xác định hoa và rau mang lại giá trị thu nhập cao, huyện Mê Linh đã hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. “Huyện đã hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng 7 chuỗi từ khâu sản xuất tới khâu tiêu thụ với diện tích 526ha (chiếm 7% diện tích canh tác của huyện)”, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho biết…

Đến nay, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện Mê Linh đã ký hợp đồng cung cấp rau, củ, quả cho hơn 30 doanh nghiệp, đơn vị, hộ kinh doanh trong và ngoài thành phố. Theo số liệu của Phòng Kinh tế huyện Mê Linh, hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 3 chuỗi có sản phẩm xuất khẩu, gồm: Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt) chuyên cung cấp các loại rau ăn lá xuất khẩu sang Hàn Quốc, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Lam Thiệu chuyên xuất khẩu chuối sang Trung Quốc và Công ty cổ phần Giống cây trồng và Vật tư nông nghiệp Hà Nội xuất khẩu cây hoa cúc giống sang Nhật Bản.

Từ thành công trên, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục rà soát các vùng sản xuất kém hiệu quả để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó, huyện ưu tiên phát triển các cây trồng có thế mạnh, phù hợp với tập quán sản xuất của nhân dân và đã được cấp nhãn hiệu tập thể như: Hoa hồng, hoa cúc, rau an toàn, cây ăn quả... Đồng thời, đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, mở rộng liên kết chuỗi để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân.        

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Mê Linh ưu tiên phát triển cây trồng có thế mạnh