Huyện Thạch Thất: Nâng cao đời sống người dân là mục tiêu quan trọng hàng đầu

16/08/2019 07:43

(HNM) - Thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, Thạch Thất đã sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại 100% số xã và là huyện có thu nhập bình quân đầu người dẫn đầu khu vực nông thôn của Hà Nội. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên.

Người dân xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) được học nghề điện dân dụng miễn phí tạo việc làm nâng cao đời sống. Ảnh: Thái Hiền

- Xin ông cho biết những kết quả trong việc thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU trên địa bàn huyện?

- Đến hết năm 2017, huyện Thạch Thất đã có 21/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Thạch Hòa phát triển theo hướng quy hoạch đô thị Hòa Lạc và thị trấn Liên Quan). Đến nay, 100% số xã trên địa bàn đạt tiêu chí về giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa... Huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở 100% số xã. Để nâng cao hơn nữa đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa. Từ năm 2010 đến nay, Thạch Thất đã xây mới 3 trung tâm văn hóa xã; xây mới, nâng cấp và cải tạo 97 nhà văn hóa, khu thể thao tại các thôn... 

Đối với tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới, Thạch Thất đã có 7/9 tiêu chí đạt, 2 tiêu chí cơ bản đạt. Huyện đang tập trung cao độ để hoàn thiện các tiêu chí và hoàn thành hồ sơ đề nghị các cấp thẩm định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019…

- Thạch Thất là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất khu vực nông thôn Hà Nội. Ông có thể chia sẻ về thành công này?

- Hiện thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đã đạt 58 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,9% (nếu trừ hộ nghèo được hưởng bảo trợ xã hội, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 0,54%).

Đạt được kết quả trên, trước hết bởi Thạch Thất đã chuyển dịch đúng hướng cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Trong nông nghiệp, huyện thực hiện đề án phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả, bền vững giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020. Huyện đã chọn đầu tư cho giống, coi đây là khâu đột phá với phương châm đi tắt đón đầu, đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 100% diện tích trồng lúa sử dụng giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt. Cùng với đó, UBND huyện đã trích ngân sách gần 10 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương đưa nhanh cơ giới hóa nông nghiệp vào sản xuất. 

Mặt khác, trên địa bàn huyện, số lao động dôi dư đã chuyển dịch dần sang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp và làng nghề. Toàn huyện có 1 khu công nghiệp và 7 cụm công nghiệp, 58 làng có nghề, trong đó có 10 làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận như: Cơ kim khí ở xã Phùng Xá; sản xuất đồ mộc ở xã Chàng Sơn, Hữu Bằng; dựng nhà gỗ ở xã Hương Ngải... thu hút 1.391 doanh nghiệp, 21.000 hộ sản xuất. Năm 2018, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng trên địa bàn đạt hơn 13.147 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân…

- Xây dựng nông thôn mới bền vững, bên cạnh đầu tư của Nhà nước, người dân phải là chủ thể tham gia và hưởng lợi từ phong trào... Về vấn đề này, Thạch Thất đã thực hiện ra sao?

- Có thể nói, nhờ sản xuất phát triển, đời sống vật chất được cải thiện nên các hộ gia đình có điều kiện đóng góp xây dựng quê hương. Sau 10 năm triển khai, tính đến hết tháng 6-2019, Thạch Thất đã huy động được hơn 4.083 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó có hơn 701 tỷ đồng do nhân dân đóng góp bằng tiền, ngày công, đất đai… Điển hình như ông Nguyễn Trí Dũng, ở xã Hương Ngải, ủng hộ 8 tỷ đồng, bà Đinh Thị Tình, ở xã Tiến Xuân, hiến 770m2 đất nông nghiệp, ông Bùi Văn Trưởng, ở xã Tân Xã, ủng hộ 375m2 đất thổ cư... 

- Từ những kết quả mang tính nền tảng nêu trên, thời gian tới, huyện Thạch Thất tiếp tục triển khai, thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội như thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi cho rằng thành công này chỉ là bước đầu. Trung ương và thành phố đã xác định tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, huyện Thạch Thất tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã đạt chuẩn; hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới trong năm 2019; đồng thời, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020; xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu đạt chuẩn, phù hợp với điều kiện thực tiễn kết hợp phát huy tối đa lợi thế từng địa phương...

Mục tiêu của Thạch Thất đến năm 2025, có 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đạt 120 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,5%; hạ tầng nông thôn được đầu tư khang trang... Trong đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của huyện.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Thạch Thất: Nâng cao đời sống người dân là mục tiêu quan trọng hàng đầu