Gia đình, nhà trường và cộng đồng cùng chủ động

Bài, ảnh: Vũ Phương Thảo| 15/08/2019 07:31

(HNM) - Tai nạn thương tích có thể xảy ra ở bất cứ đâu, khi nào, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chiếm phần lớn là do sự bất cẩn của người dân. Kinh nghiệm từ huyện Đan Phượng cho thấy, sự chủ động phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích sẽ góp phần tạo ra môi trường sống an toàn.

Trường Mầm non xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) đạt các tiêu chí của “Trường học an toàn”.         

Chủ động giảm thiểu nguy cơ

Huyện Đan Phượng có nhiều làng, xã ven sông Hồng cùng hệ thống ao, hồ, kênh, mương chằng chịt, lại có nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, nhiều làng nghề đang hoạt động, công trình xây dựng đang thi công… nên nguy cơ tai nạn thương tích luôn tiềm ẩn, nhất là đối với trẻ em. Tình trạng này khiến nhiều người lớn thường trực nỗi lo bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông, còn đa số trẻ em phải vui chơi ở trong nhà…

Trong khi đó, nhà chưa hẳn đã là nơi an toàn, bởi trẻ nhỏ có thể gặp tai nạn vì nhiều lý do. Chỉ cần người lớn bất cẩn, để nước sôi, đồ ăn nóng, xe máy vừa đi về… trong tầm tay với hoặc lối đi của trẻ nhỏ cũng có thể khiến trẻ bị bỏng. Những vật dụng quen thuộc như hạt các loại quả dạng nhỏ, đồ chơi kích thước nhỏ cũng có thể khiến trẻ bị hóc, sặc. Bể nước, bồn chứa nước trong nhà không che chắn kỹ cũng có thể khiến trẻ bị đuối nước. Những gia đình nuôi “thú cưng” như chó, mèo thì nguy cơ bị thương tích đối với cả người lớn và trẻ em đều tăng lên do có thể bị vật nuôi cào, cắn… “Tai nạn thương tích là nỗi lo thường trực của mọi người, mọi nhà. Chủ động phòng, chống tai nạn thương tích sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản của mỗi con người, mỗi gia đình và cộng đồng”, ông  Kim Ngọc Xuân, Trưởng phòng Y tế huyện Đan Phượng nhận định.

Để chủ động phòng, chống tai nạn thương tích, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Đan Phượng đã xây dựng cộng đồng an toàn thông qua mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn”. Theo đó, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích/Xây dựng cộng đồng an toàn. Ngoài các thành viên cốt cán là đại diện lãnh đạo UBND xã, Ban Chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích của các địa phương đã xây dựng, phát triển mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên phủ kín đến khu dân cư. Đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên được trang bị túi cứu thương, tập huấn nâng cao năng lực chăm sóc chấn thương, nâng cao kỹ năng tuyên tuyền, vận động nhân dân cách phòng, chống tai nạn thương tích. Bên cạnh đó, các địa phương cũng thường xuyên tổ chức truyền thông trực tiếp về cách thức phòng, chống tại nạn thương tích tại cộng đồng, trường học. Một số xã đã lập bản đồ thực trạng tai nạn thương tích, khoanh vùng những điểm có nguy cơ cao để cảnh báo cho nhân dân, đồng thời làm căn cứ xây dựng biện pháp khắc phục theo đặc thù ở từng khu vực...

Đẩy lùi tai nạn thương tích

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Châu cho biết, đến thời điểm này, 89% số hộ gia đình trên địa bàn xã đạt các tiêu chí “Gia đình an toàn”; 4/4 trường học đã được UBND huyện Đan Phượng cấp giấy chứng nhận “Trường học an toàn”. Số vụ tai nạn thương tích trên địa bàn giảm dần. Năm 2016, toàn xã xảy ra 52  ca, chủ yếu là tai nạn do ngã và tai nạn giao thông, thì đến năm 2018, con số này giảm xuống còn 31 ca.

Tương tự, xã Liên Hà có 3/3 trường học đạt các tiêu chí của trường học an toàn; giảm số ca tai nạn thương tích từ 92 ca vào năm 2016, xuống còn 71 ca vào cuối năm 2018. Ông Nguyễn Chí Hướng, cụm 4, thôn Quý, xã Liên Hà chia sẻ: “Qua những chương trình truyền thông trực tiếp và gián tiếp, các thành viên trong gia đình tôi có thêm kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích. Chẳng hạn trong gia đình có cháu nhỏ, nên tôi để các phương tiện, vật dụng có nguy cơ gây tai nạn xa tầm với của trẻ. Với các cháu lớn hơn, tôi hướng dẫn cách sử dụng các thiết bị, cách chơi trò chơi sao cho an toàn”.

Tại xã Hạ Mỗ, 94% số hộ gia đình đã nhận thức được các nguy cơ tai nạn thương tích và tích cực phòng, chống; 80% nguy cơ tai nạn thương tích tại cộng đồng đã được loại trừ. “Nguy cơ tai nạn thương tích từng bước đẩy lùi đồng nghĩa với việc người dân và trẻ em được sống trong môi trường an toàn hơn”, bà Nguyễn Thị Vượng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hạ Mỗ khẳng định.

Những dẫn chứng nêu trên phần nào cho thấy, mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” là giải pháp quan trọng góp phần giảm thiểu tai nạn thương tích. Sau quá trình kiểm tra thực tế, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng huyện Đang Phượng sớm khắc phục những khó khăn trước mắt; tích cực, chủ động hơn nữa trong việc phòng, chống tai nạn thương tích cho nhân dân. Đặc biệt, mỗi người dân, gia đình cần chủ động trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng phòng, chống; hướng dẫn con em cách thức phòng, chống tai nạn thương tích ở mọi lúc, mọi nơi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia đình, nhà trường và cộng đồng cùng chủ động