Tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ rau an toàn Yên Nghĩa

Trung Nguyên| 13/08/2019 07:56

(HNM) - Mong muốn tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, tăng đơn vị bao tiêu sản phẩm và tiến tới xây dựng thương hiệu rau Hòa Bình, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm thêm địa chỉ tiêu thụ ổn định, góp phần tăng thu nhập cho xã viên.

Xã viên Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) sơ chế, đóng gói sản phẩm rau an toàn. Ảnh: Trần Lê

Năm 2008, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình được đầu tư dự án sản xuất rau an toàn với quy mô 11,7ha. Dự án gồm các hạng mục: Hệ thống nước tưới và sơ chế rau an toàn (nguồn nước tưới khai thác ở giếng khoan có độ sâu hơn 60m, được xử lý bằng công nghệ lắng lọc, bảo đảm đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt), 11,7ha nhà lưới, thu hút 248 hộ xã viên tham gia.

Được sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật quận Hà Đông, Phòng Kinh tế quận, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình đã tổ chức các lớp tập huấn kiến thức cho nông dân về lợi ích của việc sản xuất rau an toàn, cách sử dụng chế phẩm vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đúng liều lượng, thời gian cách ly… Qua đó, thay đổi nhận thức của nông dân và vùng trồng rau an toàn của hợp tác xã hạn chế sâu bệnh, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Sản phẩm rau an toàn của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình gồm các loại rau, củ, quả: Súp lơ, bắp cải, su hào, ngót, cải các loại, dền, cà chua, bầu, bí, mướp… được người tiêu dùng trên địa bàn quận Hà Đông và thành phố Hà Nội tin cậy. Nhiều hộ xã viên sản xuất rau, củ trên diện tích 2-5 sào, sau khi trừ chi phí, thu nhập từ 80 triệu đến hơn 100 triệu đồng/năm, như gia đình các ông: Nguyễn Hữu Trung (tổ 16), Nguyễn Đình Quý, Nguyễn Đình Khánh (tổ 15)…

Sau hơn 10 năm thực hiện dự án, đến nay, diện tích trồng rau, củ, quả an toàn của hợp tác xã đã tăng lên 50ha với hơn 300 hộ xã viên tham gia (trong đó có 11,7ha được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP). Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình Trịnh Văn Vĩnh chia sẻ: Thành công của hợp tác xã trong sản xuất rau an toàn là nhờ sự quan tâm sát sao của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật quận Hà Đông. Hằng năm, Chi cục tổ chức nhiều lớp tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, quản lý dịch hại tổng hợp IPM cho 100% xã viên.

Đặc biệt trong hai năm 2018-2019, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội hỗ trợ hợp tác xã thực hiện chương trình PGS (hệ thống bảo đảm cùng tham gia), thành lập các nhóm sản xuất kiểm tra chéo, góp phần giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất rau an toàn, ghi chép nhật ký, xây dựng các mô hình trình diễn, thường xuyên kiểm tra, giám sát sản xuất của nông dân... Nhờ sản phẩm đạt chất lượng an toàn, thị trường tiêu thụ của hợp tác xã đang ngày càng được mở rộng.

Theo ông Trịnh Văn Vĩnh, hợp tác xã đã kết nối bao tiêu sản phẩm rau an toàn cho nông dân, cung cấp cho 30 trường học mầm non trên địa bàn quận Hà Đông và một số công ty, cửa hàng trên địa bàn thành phố. Mỗi ngày, hợp tác xã xuất bán từ 8 tạ đến 1 tấn sản phẩm rau, củ, quả. Tuy nhiên, số lượng này mới chiếm 70% tổng sản phẩm, 30% còn lại, xã viên vẫn phải tự tìm nơi tiêu thụ. Để ổn định, hợp tác xã mong muốn Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn quận kết nối, giới thiệu địa chỉ tiêu thụ, giúp xã viên, nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ rau an toàn Yên Nghĩa