“Thuận” cho quản lý, “lợi” cho phát triển kinh tế

Ánh Dương| 12/08/2019 07:36

(HNM) - Thời gian qua, huyện Thạch Thất tập trung thực hiện tốt công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), qua đó, vừa giúp huyện quản lý chặt chẽ đất đai, vừa giúp người dân an cư và thêm cơ hội được vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế...

Công nhân chăm sóc hoa tại trang trại của gia đình ông Nguyễn Hữu Cường, thôn Minh Nghĩa (xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất) - mô hình cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phương Uyên

Thực hiện tổng điều tra rà soát cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy chứng nhận) lần đầu, xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất) có 1.852 thửa cần cấp. Đến nay, hơn 95% số thửa đã cấp giấy chứng nhận; số thửa còn lại đang xem xét hồ sơ. Chủ tịch UBND xã Đồng Trúc Nguyễn Trung Kiên cho biết: Địa phương đang đo đạc tổng thể lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính, khi được cấp thẩm quyền phê duyệt, sẽ hoàn thiện hồ sơ cho các trường hợp còn lại. Riêng công tác cấp giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa, xã cơ bản thực hiện xong.

Điều thiết thực là sau khi có giấy chứng nhận đất ở, các hộ đã có điều kiện để vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế. Đơn cử, tại thôn Đồng Táng, nhiều hộ vay tới vài trăm triệu đồng làm trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, thả cá, trồng cây ăn quả, như gia đình các ông: Nguyễn Văn Sáu, Nguyễn Văn Khải… Điển hình, gia đình ông Kiều Văn Hiện ở thôn Đồng Kho có trang trại nuôi gà đẻ từ 40.000 đến 50.000 con. "Có được trang trại đó là nhờ gia đình thế chấp 4 sổ đỏ vay 1-2 tỷ đồng đầu tư từng giai đoạn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người nhà và một số lao động trong vùng" - ông Hiện cho biết.

Tương tự, xã Dị Nậu cũng cơ bản thực hiện xong công tác cấp giấy chứng nhận đất ở và đất nông nghiệp. Chủ tịch UBND xã Dị Nậu Nguyễn Hữu Thịnh thông tin: Thực hiện dồn điền đổi thửa, nhiều hộ dân đã nhận khu đất trũng, khó canh tác. Sau khi cấp giấy chứng nhận đất nông nghiệp, các hộ lập đề án chuyển đổi và 7 trường hợp được UBND huyện Thạch Thất phê duyệt dự án chuyển mục đích sử dụng đất sang trồng cây ăn quả, chăn nuôi, thả cá... cho hiệu quả kinh tế cao, như gia đình các ông: Nguyễn Văn Hào, Nguyễn Văn Cường…

Cũng nhờ có giấy chứng nhận, nhiều hộ dân ở xã Đại Đồng đủ điều kiện được vay vốn ngân hàng để làm giàu. Trong số đó có gia đình ông Nguyễn Hữu Cường ở thôn Minh Nghĩa làm hồ sơ thế chấp sổ đỏ, vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng đầu tư nhà màng, nhà kho, máy móc thiết bị để trồng các loại hoa như đồng tiền, lay ơn, cúc... Nhờ hạ tầng đồng bộ, trừ chi phí, mỗi năm thu lãi 400-500 triệu đồng. Ngoài gia đình ông Cường, hàng chục hộ ở xã Đại Đồng cũng thế chấp sổ đỏ, vay từ 500 triệu đến hơn 1 tỷ đồng để đầu tư xưởng cơ khí, mộc dân dụng…

Tính đến nay, huyện Thạch Thất đã cấp được hơn 94% giấy chứng nhận đất ở lần đầu và 100% giấy chứng nhận đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Thất Đào Xuân Ban cho biết: Để đạt được kết quả trên, Phòng đã thành lập tổ công tác đến từng xã để hỗ trợ kiểm tra, rà soát từng hồ sơ xét cấp giấy chứng nhận; giải quyết dứt điểm những thắc mắc, kiến nghị liên quan đến tranh chấp... Từ năm 2017, thành phố triển khai xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, qua đó, giúp huyện tháo gỡ khó khăn trong xét duyệt hồ sơ cấp giấy chứng nhận những thửa có số liệu đo đạc chưa đúng với thực tế, chưa có tên trong bản đồ, tranh chấp ranh giới… 

Hiện, huyện Thạch Thất tiếp tục rà soát, hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho hơn 5% số thửa đất còn lại, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn. Đặc biệt, người dân thêm cơ hội được vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế gia đình và có điều kiện đóng góp xây dựng nông thôn mới tại địa phương...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Thuận” cho quản lý, “lợi” cho phát triển kinh tế