Huyện Đông Anh: 5 bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới

09/08/2019 07:49

(HNM) - Là huyện thứ hai của thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2016), Đông Anh đang triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với tiêu chí trở thành quận. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Lê Trung Kiên về kết quả và những bài học kinh nghiệm thu được sau 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội.

Hạ tầng nông thôn ở xã Nam Hồng (huyện Đông Anh) được đầu tư khang trang.

- Huyện Đông Anh vừa tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, xin ông chia sẻ về những kết quả nổi bật nhất?

- Điểm nổi bật trong việc thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU tại Đông Anh là diện mạo của huyện ngày càng đổi mới, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân từng bước được nâng cao... Nếu như năm 2010, toàn huyện mới cứng hóa được 60% hệ thống đường giao thông (663/1.105km) thì đến nay, 100% tuyến đường đều được kiên cố hóa. Năm 2010, huyện có 25/90 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia thì trong gần 10 năm qua, huyện đã xây mới và cải tạo được 89 trường học và nâng số trường đạt chuẩn lên 58/90 trường. Hiện, Đông Anh đang tập trung triển khai Đề án chiếu sáng, tạo diện mạo mới cho nông thôn, tiệm cận với các tiêu chí cấp quận.

- Để triển khai các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, Đông Anh đã thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Sau gần 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, huyện đã huy động được 7.523 tỷ đồng. Để có nguồn vốn trên, Đông Anh đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng cường công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Nguồn thu từ đất đấu giá này để lại 100% cho xã thực hiện các dự án xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, huyện đã thu được 3.900 tỷ đồng từ đấu giá đất xen kẹt. Ngoài ra, Đông Anh đã huy động được 344 tỷ đồng từ vốn xã hội hóa. Trong đó, nhân dân trên địa bàn ủng hộ 48,4ha đất nông nghiệp để làm đường giao thông, mương thủy lợi nội đồng (tập trung tại 6 xã thực hiện dồn điền, đổi thửa); hơn 302.000 ngày công làm giao thông ngõ xóm...

- Song song với phát triển hạ tầng, thành công trong xây dựng nông thôn mới được ghi dấu bằng thu nhập và đời sống của người dân, ông nhận xét gì về kết quả này?

- Đông Anh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân. Trong sản xuất nông nghiệp, hằng năm ngân sách huyện bố trí 20-25 tỷ đồng hỗ trợ người dân giống lúa mới, giống thủy sản chất lượng cao; hỗ trợ các mô hình sản xuất rau an toàn, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp... Đối với ngành nghề nông thôn, huyện mở rộng sản xuất trong các khu, cụm, điểm công nghiệp, làng nghề nông thôn; khôi phục và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống, mở rộng quy mô một số nghề như: Chạm khắc gỗ, sản xuất đồ gỗ dân dụng, mỹ nghệ, đồ gỗ ép phun sơn, sản xuất thép, cơ khí. Một số nghề như chế biến nông sản, may mặc... đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động. Nếu như thu nhập bình quân năm 2010 của huyện là 20 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2018 đã tăng lên 47 triệu đồng/ người/năm...

- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhận xét: Kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới của huyện Đông Anh có ý nghĩa quan trọng không chỉ với huyện mà cả với các địa phương khác trên địa bàn thành phố. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những bài học kinh nghiệm mà huyện đã rút ra?

- Thứ nhất, việc triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU đã có sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị huyện. Cán bộ chủ chốt của các xã, thôn thực sự chủ động, gương mẫu, quyết tâm cao, có ý thức chính trị, được trang bị đầy đủ kiến thức về nông thôn mới để từ đó phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tạo sức mạnh tổng hợp trong quá trình thực hiện. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra sâu sát cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai.

Thứ hai, công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được coi trọng hàng đầu và phải làm thường xuyên, liên tục. Hình thức tuyên truyền cần phong phú, đa dạng, phù hợp với mọi đối tượng để mọi người, mọi nhà đều hiểu, coi việc thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của bản thân, chính nhân dân là người trực tiếp thực hiện và thụ hưởng những kết quả đó.

Thứ ba, tiến hành thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới từ đơn giản đến phức tạp; chọn nội dung, công việc có tính bức xúc, thiết thực làm trước. Phương châm “dễ làm trước, khó làm sau” để nhân dân thấy được hiệu quả, từ đó có trách nhiệm trong quá trình thực hiện. Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, cần đẩy mạnh việc thực hiện các tiêu chí không cần hoặc cần ít vốn đầu tư.

Thứ tư, kết hợp hài hòa giữa việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội với phát triển sản xuất và chăm lo đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thực hiện tốt các chính sách xã hội.

Thứ năm, làm tốt công tác huy động các nguồn lực, trong đó nguồn lực từ đấu giá quyền sử dụng đất là quan trọng và đặc biệt là nguồn lực từ trong nhân dân; đồng thời khai thác, phát huy hiệu quả nguồn lực từ ngân sách, nhất là nguồn hỗ trợ thực hiện công trình công cộng phục vụ dân sinh.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Đông Anh: 5 bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới