Khai thác hiệu quả vùng đất bãi

Nguyễn Mai| 07/08/2019 07:52

(HNM) - Ven đê tả sông Hồng, vùng đất bãi của xã Hoàng Kim (huyện Mê Linh) bạt ngàn màu xanh của cây chuối. Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Kim Nguyễn Ngọc Hà giới thiệu: 6 năm qua, vùng đất bãi của xã từng bước chuyển sang trồng chuối tiêu hồng, chuối tây để xuất khẩu, đem lại thu nhập trung bình 400-500 triệu đồng/ha/năm.

Gia đình anh Sái Văn Triệu, thôn Hoàng Xá, là hộ đầu tiên ở xã Hoàng Kim đưa cây chuối ra trồng trên đất bãi và hiện có diện tích lớn nhất xã lên tới 70ha. Anh Sái Văn Triệu cho biết: Trồng chuối không mất nhiều công chăm sóc, đầu tư giống một lần là được thu hoạch trong nhiều năm. Cây chuối cũng ít sâu bệnh nên không tốn kém chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với 70ha chuối ở xã Hoàng Kim, anh Sái Văn Triệu còn thuê đất trồng 200ha chuối ở tỉnh Phú Thọ. Toàn bộ chuối thu hoạch, gia đình xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trước khi có vùng trồng chuối hiệu quả, sản xuất nông nghiệp ở xã Hoàng Kim gặp nhiều khó khăn. Theo Chủ tịch UBND xã Hoàng Kim Lưu Văn Minh: Xã có 450ha đất nông nghiệp, trong đó đất bãi ven sông Hồng là 350ha. Đối với vùng đồng, xã đã hoàn thành dồn điền đổi thửa từ năm 2013, nhưng với vùng đất bãi thì chưa thực hiện được. Nguyên nhân là đất bãi khi lở, khi bồi, nên khi giao đất nông nghiệp, mỗi gia đình đều có nhiều thửa để bảo đảm công bằng. Cũng bởi ruộng đất manh mún nên trước đây việc canh tác không hiệu quả. Đa số hộ chỉ trồng rau, đậu, ngô, khoai... nên giá trị không cao.

Trước thực trạng trên, từ năm 2013, xã Hoàng Kim đã vận động các hộ gia đình không có nhu cầu cho các hộ có khả năng sản xuất nông nghiệp thuê lại đất; hoặc nhiều hộ góp ruộng để có vùng sản xuất lớn theo mô hình hợp điền. Việc triển khai thực hiện khá thuận lợi. Điển hình là anh Sái Văn Triệu đã sớm thuê được đất của 200 hộ dân với thời hạn 5 năm, với giá thuê 800.000 đồng/sào/năm để trồng chuối. Các hộ khác như anh Nguyễn Khắc Nhiên, Lưu Văn Hậu (thôn Hoàng Kim) cũng thuê được từ 10ha đến 20ha. Ngoài ra, còn hàng chục hộ dân góp ruộng vào sản xuất chung để có các thửa ruộng từ 2 đến 3ha.

Đến nay, xã Hoàng Kim đã có 126ha trồng chuối theo hình thức hợp điền và mô hình này vẫn đang tiếp tục triển khai. Để hỗ trợ sản xuất, địa phương đã chủ động bố trí kinh phí xây dựng hạ tầng vùng sản xuất, như: Làm đường để ô tô có thể ra vùng bãi vận chuyển nông sản...

Nói về mô hình hợp điền, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô nhận xét: Mô hình hợp điền vừa tận dụng được đất đai, tránh lãng phí, vừa có vùng sản xuất theo hướng hàng hóa.

Theo Chủ tịch UBND xã Hoàng Kim Lưu Văn Minh, mô hình này phù hợp với xu thế chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn. Những lao động “rút” từ nông nghiệp đã có việc làm và thu nhập ổn định. Hiện trên địa bàn xã có gần 1.500 lao động làm công nhân tại các khu công nghiệp trong vùng và 800 người làm thợ xây dựng... Nhờ vậy, bình quân thu nhập trên địa bàn xã Hoàng Kim được nâng cao, đạt 41,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,14%. Năm 2018, xã Hoàng Kim đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

“Từ thành công ban đầu, xã Hoàng Kim đang tiếp tục vận động các hộ dân thực hiện mô hình hợp điền để chuyển sang trồng cây ăn quả tập trung, khai thác hiệu quả vùng đất bãi, nâng cao thu nhập”, ông Lưu Văn Minh cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác hiệu quả vùng đất bãi