Thường Tín phát huy vai trò kinh tế tập thể

Đỗ Minh| 02/08/2019 08:17

(HNM) - Kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã đang phát huy vai trò và là hướng đi hiệu quả giúp huyện Thường Tín đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại… Đây cũng là yếu tố quan trọng tạo nguồn lực cho các xã của huyện hoàn thiện nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (xã Hồng Vân) là một trong những đơn vị điển hình của huyện Thường Tín về phát triển kinh tế. Được thành lập từ năm 2014, đến nay, hợp tác xã đã thu hút 22 thành viên tham gia sản xuất các mô hình nông nghiệp hữu cơ, đưa ứng dụng khoa học vào sản xuất, thành lập các chuỗi sản xuất khép kín.

Giám đốc Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và Dịch vụ Hồng Vân Nguyễn Văn Tứ chia sẻ: "Hợp tác xã đang phát triển mô hình trồng rau hữu cơ với diện tích 2,5ha và nuôi lợn theo hướng sinh học. Ngoài ra, hợp tác xã đã xây dựng mô hình trồng rau chùm ngây trên diện tích 7ha. Các sản phẩm đều được tiêu thụ trong hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch của hợp tác xã. Tổng doanh thu hằng năm của hợp tác xã đạt hơn 7 tỷ đồng...". 

Tương tự, trước nhu cầu ngày càng cao về con giống và thực phẩm an toàn, Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Phú (xã Văn Phú) cũng mạnh dạn chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi vịt tự phát, nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, gắn với bao tiêu sản phẩm. Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Phú Nguyễn Bá Tình cho hay: "Đây là mô hình ứng dụng công nghệ đơn giản, dễ thực hiện, đạt được mục tiêu “4 không” (Không mùi hôi, không khí độc, không cần dọn chất thải và không dọn vệ sinh). Hiện, hợp tác xã đang nuôi 20.000 con vịt đẻ, 10.000 vịt thịt, 20.000 gà đẻ và gà thịt các loại bằng phương pháp sinh học, nên sản phẩm đạt chất lượng và giá bán cao". 

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Uông Thị Phượng, toàn huyện có 47 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó có 37 hợp tác xã nông nghiệp, còn lại là hợp tác xã công nghiệp, thương mại, dịch vụ… Các hợp tác xã đã phát huy được vai trò trợ giúp kinh tế hộ phát triển, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong quản lý và sản xuất, kinh doanh, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. Đồng thời mở rộng các loại ngành nghề, tăng thu nhập cho hàng nghìn xã viên và người lao động, góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Kết quả này đạt được là nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, sự nỗ lực của các hợp tác xã trong thay đổi phương thức kinh doanh, hoạt động, chủ động phân tích và sản xuất theo nhu cầu thị trường…

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn huyện Thường Tín vẫn gặp một số hạn chế cần sớm khắc phục. Đó là nội lực của các hợp tác xã còn yếu, quy mô sản xuất nhỏ khiến năng lực cạnh tranh chưa cao. Các hợp tác xã còn thiếu trụ sở làm việc, thiếu nhân lực và đội ngũ cán bộ có trình độ, kinh nghiệm; sự hợp tác giữa các xã viên chưa hiệu quả, chặt chẽ…

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, để phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành thành phố mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, nâng cao trình độ cho cán bộ hợp tác xã. Đồng thời, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã thành phố tháo gỡ vướng mắc về các thủ tục liên quan đến chính sách thuế, đất đai, vốn vay...; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các hợp tác xã. “Huyện Thường Tín phấn đấu đến năm 2025, có 20% số hợp tác xã xếp loại tốt, 80% hợp tác xã xếp loại khá, không có hợp tác xã hoạt động yếu kém; có từ 1 đến 2 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thành lập mới từ 3 đến 5 hợp tác xã trở lên…”, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thường Tín phát huy vai trò kinh tế tập thể