Điển hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Đào Huyền| 30/07/2019 08:08

(HNM) - Bằng việc phát triển mô hình trồng măng tây trong nhà kính, đến nay, Hợp tác xã Rau quả Hồng Thái (huyện Phú Xuyên) đã thu về khoảng 1,5 tỷ đồng/năm/ha canh tác. Đáng lưu ý, mô hình đã tạo ra những sản phẩm sạch bằng công nghệ trồng, chăm sóc hiện đại, tạo hiệu ứng lớn, giúp nhiều hợp tác xã học tập để chuyển đổi và phát triển.

Khởi đầu, cây măng tây bén duyên với đất Hồng Thái từ năm 2013 tại vùng bãi, tuy nhiên, măng tây chỉ sản xuất với phương pháp thông thường. Để cây măng tây trở thành cây chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao, tháng 7-2017, Hợp tác xã Rau quả Hồng Thái được thành lập với 12 thành viên góp vốn triển khai mô hình trồng măng tây, ứng dụng công nghệ của Hà Lan theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo đó, hợp tác xã được chính quyền địa phương hỗ trợ hạt giống nhập khẩu, kinh phí lấy mẫu đất, mẫu nước để kiểm định chỉ số an toàn. Đồng thời, các chuyên gia đến từ Hà Lan và Học viện Nông nghiệp Việt Nam tập huấn, hướng dẫn cho bà con xã viên về kỹ thuật ươm giống, trồng, chăm sóc và thu hoạch. Với những bước đi bài bản, tháng 9-2017, hợp tác xã đã trồng thành công 0,3ha măng trắng (trồng nhà màng, nhà kính) và 1ha măng tây xanh. Giám đốc Hợp tác xã Rau quả Hồng Thái Lê Đức Trịnh cho biết: Hiện hợp tác xã có 3ha trồng măng tây xanh và măng tây trắng, trong đó có 1,2ha là nhà kính. Ngoài ra, hợp tác xã còn lắp đặt trạm bơm dã chiến, lấy nước từ sông Hồng, xây dựng các bể lắng lọc, bể chứa nước 1.000m3, hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt, máy phục vụ làm đất... với số tiền đầu tư 3 tỷ đồng. "Hệ thống tưới tự động cho vườn măng tây được điều khiển qua điện thoại thông minh. Bộ xử lý sẽ tự động tích hợp các yếu tố (nhiệt độ ngoài trời, độ ẩm của đất…). Sau khi xã viên gọi điện, hệ thống sẽ thực hiện tưới nước khắp các luống măng tây" - ông Lê Đức Trịnh chia sẻ.

Theo đánh giá của Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Hữu Chi, Hợp tác xã Rau quả Hồng Thái là điển hình về mô hình hợp tác xã kiểu mới của huyện Phú Xuyên nói riêng và thành phố nói chung. Đến nay, sản phẩm măng tây của hợp tác xã đã được chứng nhận VietGAP. Sau khi trồng, cây măng tây có thể cho thu hoạch trong vòng 10-15 năm. Hiện, chỉ tính riêng diện tích măng tây trắng trồng trong nhà kính, bình quân mỗi ngày, hợp tác xã thu hoạch 27-35kg. Với giá bán hiện tại là 150.000 đồng/kg, hợp tác xã thu về khoảng 4-4,5 triệu đồng/ngày. Tính toán cho thấy, mô hình trồng măng tây ứng dụng công nghệ cao cho thu nhập ước đạt 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Đáng lưu ý, mô hình trồng măng tây của hợp tác xã đã tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức lương trung bình khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.

Thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ có chính sách hỗ trợ mở rộng diện tích mô hình trồng măng tây Hà Lan lên 120ha ở xã Hồng Thái. Đây là điều kiện giúp huyện Phú Xuyên sản xuất theo quy mô lớn và xây dựng được thương hiệu nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời là tiền đề quan trọng để hợp tác xã nhân rộng quy mô sản xuất, hỗ trợ người dân tham gia liên kết, xây dựng vùng trồng măng tây lớn của Hà Nội.

“Đối với các hợp tác xã điển hình tiên tiến, sản xuất ứng dụng công nghệ cao như Hợp tác xã Rau quả Hồng Thái, Liên minh Hợp tác xã thành phố sẽ hỗ trợ tối đa về nguồn lực và các hoạt động xúc tiến quảng bá sản phẩm; tổ chức cho các hợp tác xã khác đến học tập kinh nghiệm trong quản lý sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ cao” - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Lê Văn Thư nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điển hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao