Phụ nữ huyện Gia Lâm: Lan tỏa một nếp sống đẹp

Lam Viên| 18/07/2019 15:53

(HNMCT) - Bằng những sáng kiến hay và việc làm cụ thể, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Gia Lâm đang tích cực triển khai các mô hình hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần nhằm chống rác thải nhựa. Cũng từ đây lối sống đẹp, văn minh được lan tỏa trong đông đảo hội viên và nhân dân.

Chị Phạm Thị Quang (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm) , dùng làn đi chợ mỗi ngày.

Hình thành thói quen xách làn đi chợ

Sáng nào cũng vậy, chị Vũ Thị Hạnh (người dân ở tổ dân phố Thảm Len, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm) lại xách chiếc làn nhựa ra chợ Cầu Chùa gần nhà để mua thực phẩm. Những người bán hàng vốn “thuộc” thói quen không dùng túi nilon của chị nên không ai cho rau củ vào túi nilon. Chỉ khi mua thịt, cá hay tôm, đậu là chị Hạnh phải đựng vào túi nilon mang về. Chia sẻ về thói quen mang làn đi chợ của mình, chị Hạnh cho biết: “Chiếc làn là vật dụng không thể thiếu của tôi mỗi sáng ra chợ. Sử dụng làn đi chợ rất tiện lợi bởi có thể đựng được nhiều đồ mà không bị rơi vãi, đồng thời góp phần hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Phụ nữ xã về việc hạn chế dùng túi nilon. Nhờ đó nhà mình cũng đỡ rác thải, môi trường chung lại bớt ô nhiễm. Tôi thấy cách làm này rất văn minh”.

Nói về phong trào dùng làn nhựa đi chợ ở địa bàn dân cư, chị Vũ Thị Phương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Thảm Len (xã Kiêu Kỵ) cho biết, thuận lợi rất lớn của chi hội khi phát động phụ nữ dùng làn nhựa đi chợ là nhiều chị em đã có nếp dùng làn đi chợ từ lâu, do đó đông đảo hội viên đồng loạt làm theo. Để hạn chế tối đa việc dùng túi nilon, chi hội hướng dẫn chị em đựng rau, củ, quả vào làn, còn thịt, cá, tôm, cua... mới đựng vào túi nilon hoặc sử dụng hộp nhựa, có thể dùng nhiều lần. Đến nay, nhiều chị em đã có thói quen từ chối lấy túi nilon khi đi chợ mỗi ngày.

Cũng là một chi hội tích cực thực hiện việc sử dụng làn nhựa đi chợ, chị Vương Thị Phụ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Liên Cơ (xã Kiêu Kỵ) cho rằng: “Phụ nữ là người hằng ngày đi chợ, mua sắm chính trong gia đình, do đó phải đi đầu trong việc hạn chế dùng túi nilon mới có thể góp phần thay đổi thói quen có hại, tích cực bảo vệ môi trường. Cụ thể, để giảm dùng túi nilon phải đựng thức ăn, thực phẩm vào hộp nhựa, làn nhựa khi đi chợ cũng như hạn chế tối đa dùng túi khi mua sắm. Bằng nguồn quỹ của hội chúng tôi đã tặng miễn phí 127 làn nhựa cho hầu hết hội viên dùng hằng ngày, lượng túi nilon xả ra môi trường giảm đi trông thấy”. Để ngày càng có nhiều hội viên phụ nữ dùng làn đi chợ, chị Phụ cùng các cán bộ chi hội luôn gương mẫu thực hiện và nhắc nhở chị em cùng làm theo.

Ở chiều ngược lại, các hội viên phụ nữ là tiểu thương tại chợ Kiêu Kỵ (xã Kiêu Kỵ) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế sử dụng túi nilon. Chị Lã Thị Minh Hiệp, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ chợ Kiêu Kỵ cho hay: “Sau khi tuyên truyền tới 81 hội viên là tiểu thương bán hàng trong chợ về tác hại của túi nilon với môi trường, chúng tôi đã thực hiện triệt để việc giảm dùng túi nilon khi bán hàng. Chị em đều thống nhất, với những khách hàng mang làn đi chợ thì người bán hàng chủ động bỏ rau, củ vào làn, ai chưa có làn thì dồn các loại thực phẩm khô hay rau củ tươi vào chung một túi, chỉ thịt, cá, tôm mới đựng vào túi nilon. Một số tiểu thương còn có sáng kiến dùng giấy hay lá chuối gói thịt, cá. Đến nay các quầy hàng đều giảm đáng kể lượng túi nilon sử dụng so với trước, giảm chi phí cho chính người bán, lại bớt gây ô nhiễm môi trường”.

Lan tỏa lối sống văn minh

Với những việc làm cụ thể, tích cực, kết hợp sâu rộng giữa tuyên truyền trên loa đài và tuyên truyền trực tiếp, triển khai thực tế mô hình “Phụ nữ Kiêu Kỵ hạn chế sử dụng túi nilon” đến nay Hội LHPN xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm đã tặng 462 chiếc làn nhựa cho các hội viên với tổng kinh phí trên 10 triệu đồng. 4 trên tổng số 15 chi hội phụ nữ trong toàn xã Kiêu Kỵ triển khai tặng miễn phí làn nhựa cho hội viên đi chợ để thực hiện mục tiêu giảm sử dụng túi nilon mỗi ngày. Chị Lê Thị Xuân Thùy, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Kiêu Kỵ cho biết: “Sau một thời gian triển khai, chúng tôi rất vui vì ngày càng nhiều hội viên tích cực sử dụng làn đi chợ. Thói quen sử dụng làn đi chợ mỗi ngày đang lan tỏa mạnh mẽ tới nhiều chị em khác. Chúng tôi đang nỗ lực mở rộng mô hình, đẩy mạnh tuyên truyền kết hợp với thực hiện các chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường thôn, xóm từ đó nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, trở thành việc làm hằng ngày, tự thân của hội viên và nhân dân”.

Không chỉ ở xã Kiêu Kỵ, thời gian qua nhiều mô hình mới với những cách làm hay nhằm giữ gìn bảo vệ môi trường đang được triển khai và nhân rộng trên địa bàn huyện Gia Lâm. Đó là các mô hình “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon”, Câu lạc bộ “Phụ nữ tình nguyện vì môi trường”, các hội thi “Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường”, "Chi hội phụ nữ thực hiện thôn, tổ dân phố xanh tươi, sạch đẹp”, cùng với đó là việc đẩy mạnh giữ gìn vệ sinh môi trường tại 221 tuyến đường phụ nữ tự quản trên toàn huyện. Đặc biệt, tháng 6 vừa qua Hội LHPN huyện đã triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa” do Hội LHPN thành phố Hà Nội phát động trước đó và được chị em phụ nữ toàn huyện hưởng ứng.

Các mô hình “Đổi phế liệu nhựa lấy cây xanh” các kế hoạch hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần thay thế bằng sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện môi trường được triển khai đồng loạt tại các xã, thị trấn trong huyện. Bà Nguyễn Thị Hương Trà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm chia sẻ: “Thông qua thực hiện các mô hình, phong trào cụ thể chúng tôi đã tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ về các vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực của rác thải nhựa, từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của chị em phụ nữ và nhân dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường. Nếu mỗi ngày đi chợ chị em dùng 5-6 túi nilon thì mỗi tháng mỗi gia đình tiêu thụ khoảng 150 túi.

Nhân lên số hộ, số người thì lượng túi nilon và rác thải nhựa rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Vì thế, phong trào hạn chế dùng túi nilon, chống rác thải nhựa là việc làm cấp thiết, đang lan tỏa rộng khắp trong hội viên phụ nữ và người dân, dần hình thành nếp sống đẹp, văn minh của người phụ nữ Thủ đô trong thời đại mới”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phụ nữ huyện Gia Lâm: Lan tỏa một nếp sống đẹp