Huyện Gia Lâm: Xây dựng nông thôn mới gắn với tiêu chí trở thành quận

12/07/2019 10:51

(HNM) - Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, huyện Gia Lâm đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở 100% số xã. Đáng chú ý, trong xây dựng nông thôn mới của huyện đều gắn với các tiêu chí trở thành quận trong tương lai. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân.

Trường Mầm non xã Lệ Chi (Gia Lâm) được đầu tư xây dựng khang trang.

- Trước tiên, xin ông cho biết những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới của huyện?

- Kể từ khi bắt tay vào thực hiện từ năm 2011, đến hết năm 2017, huyện Gia Lâm đã có 20/20 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Huyện Gia Lâm có 9/9 tiêu chí về xây dựng huyện nông thôn mới đã hoàn thành, nên diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay theo hướng đi lên. Toàn huyện có 63/76 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia; 97% số thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng; 100% số hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đạt 75,43%.

Từ năm 2016 đến nay, huyện Gia Lâm đã dành hơn 105 tỷ đồng đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, giá trị sản xuất bình quân trên một héc ta canh tác đã đạt 306 triệu đồng/năm, tăng 198 triệu đồng so với năm 2010. Đến hết năm 2018, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn huyện Gia Lâm đạt 47,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,56%...

- Như vậy 100% số xã và các tiêu chí về xây dựng huyện nông thôn mới của địa phương đã hoàn thành, vậy ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm của huyện?

- Kinh nghiệm trước hết là huyện Gia Lâm đã tăng cường công tác tuyên truyền, giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu đúng, hiểu sâu về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, coi đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Về triển khai, huyện Gia Lâm xác định, công tác quy hoạch và sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn phải đi trước một bước. Đây là cơ sở để định hình chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của huyện trong tương lai. Ước tính, từ năm 2010 đến nay, huyện Gia Lâm đã huy động được hơn 4.393 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung đầu tư cho các công trình, dự án bức xúc dân sinh, cải tạo ao hồ, vườn hoa...

Đi đôi với quan tâm xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, huyện Gia Lâm tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đối với đội ngũ cán bộ các cấp, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã, thôn để nâng cao trình độ, năng lực tổ chức, nhiệt tình, sáng tạo vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Mặt khác, huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới. Chẳng hạn, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện gặp khó khăn về tiêu chí môi trường, bởi một số xã chăn nuôi quy mô lớn trong khu dân cư, như: Phù Đổng, Đặng Xá, Trung Mầu... gây ô nhiễm môi trường; nhiều ao, hồ và các sông như: Cầu Bây, Thiên Đức, Giàng chảy qua địa bàn bị ô nhiễm... Quyết tâm hoàn thành tiêu chí này, huyện đã ban hành kế hoạch, rà soát hơn 100 ao, hồ trong khu dân cư, từ đó bố trí ngân sách và huy động vốn xã hội hóa để đầu tư, cải tạo 28 ao, hồ. Đồng thời, vận động nhân dân ra quân vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy, trồng hoa, cây xanh, xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi…

- Thưa ông, để xây dựng nông thôn mới gắn với tiêu chí trở thành quận trong tương lai, huyện Gia Lâm đang triển khai những nhiệm vụ gì?

- Mặc dù đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở 20/20 xã và hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới, nhưng huyện Gia Lâm xác định vẫn phải nỗ lực hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội. Huyện tiếp tục duy trì thành quả trong xây dựng nông thôn mới, phấn đấu trong năm nay hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao tại 2 xã (Yên Viên, Phù Đổng) và tiếp đến năm 2020 sẽ là 2 xã Kim Sơn và Bát Tràng.

Huyện Gia Lâm xác định, sản xuất nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Vì vậy, huyện tiếp tục hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thông qua Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng chuyên canh giai đoạn 2016-2020, quy hoạch lại các vùng sản xuất. Trong trồng trọt, huyện sẽ giảm dần diện tích trồng lúa, tăng diện tích trồng rau an toàn, cây ăn quả... Ngoài ra, huyện Gia Lâm rà soát lại quy hoạch, huy động các nguồn lực tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng, như: Điện, đường giao thông… gắn với các tiêu chí để phấn đấu trở thành quận vào năm 2021.

- Thực hiện nhiệm vụ trên chắc hẳn sẽ gặp những khó khăn, vậy huyện Gia Lâm sẽ triển khai những giải pháp gì để đạt mục tiêu đề ra, thưa ông?

- Nhiệm vụ đặt ra là khá lớn với không ít khó khăn, thách thức đan xen. Trong nhiều nhiệm vụ, giải pháp triển khai thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ để tăng thu ngân sách, tiến tới tự cân đối thu - chi. Trong phát triển hạ tầng nông thôn, huyện Gia Lâm còn khoảng 200km giao thông cần được đầu tư để khớp nối giao thông đồng bộ theo tiêu chí đô thị. Hiện nay, huyện đã được thành phố chấp thuận đầu tư 14 tuyến đường giao thông, trong đó có 4 tuyến đã hoàn thành, 7 tuyến được triển khai trong năm 2019, các tuyến còn lại sẽ tiếp tục được khảo sát, xây dựng trong năm 2020... Song song với đó, huyện Gia Lâm tiếp tục ưu tiên các giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Gia Lâm: Xây dựng nông thôn mới gắn với tiêu chí trở thành quận