Bứt phá từ mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với đô thị

Bạch Thanh| 10/07/2019 15:46

(HNM) - Là huyện ven đô, đang trong quá trình trở thành quận, Thanh Trì xác định phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm đất đai, phù hợp với nông nghiệp đô thị... là hướng đi tất yếu. Theo phương châm đó, hiện trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình thành công, giúp nông dân tăng thu nhập, làm tiền đề nhân rộng...

Yên Mỹ là một trong những xã trồng rau an toàn lớn của huyện Thanh Trì. Mới đây, Thanh Trì đã hỗ trợ địa phương xây dựng mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính, nhà lưới. Mô hình được triển khai từ tháng 6-2017 với quy mô 5.000m2, trong đó, phần diện tích nhà kính là 2.600m2. Mô hình có đầy đủ hệ thống lưới cắt nắng tự động, cảm biến nhiệt độ, hệ thống quạt đối lưu không khí…

Ông Nguyễn Mạnh Hồng - một trong những hộ đầu tiên tham gia trồng rau thủy canh trên địa bàn xã chia sẻ, mỗi tháng, mô hình này cho thu hoạch khoảng 2 tấn rau các loại. Rau trồng thủy canh trong hệ thống nhà kính hạn chế được sâu, bệnh; dinh dưỡng cung cấp cho cây được kiểm soát nên có thể bảo đảm có rau thu hoạch liên tục; bình quân 10-11 lứa rau/năm; thu nhập khoảng 800 triệu đồng/năm - cao hơn trồng rau theo phương pháp truyền thống khoảng 20 lần trên cùng đơn vị diện tích sản xuất…

Một mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng khác cũng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao ở huyện Thanh Trì là trồng cây ăn quả ở xã Vạn Phúc. Sau khi dồn điền đổi thửa, xã phát triển được 82ha cam, quất, bưởi... trồng tập trung thành vùng. Hằng năm, cung cấp cho thị trường hơn 10.000 cây cam cảnh, quất cảnh vào dịp Tết Nguyên đán, thu lãi khoảng 300 triệu đồng/ha/năm trở lên…

Không chỉ hiệu quả về kinh tế, theo Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc Chử Văn Hải, mô hình trồng cam, quất, bưởi tập trung còn giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hơn 4.000 lao động địa phương; là tiền đề quan trọng để xã Vạn Phúc trở thành trung tâm cây ăn quả, cây cảnh gắn với du lịch sinh thái ven đô trong tương lai gần.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho biết, ngoài các mô hình trên, huyện triển khai nhiều mô hình khác, đạt hiệu quả khá, như: Sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu (3,1ha tại xã Vĩnh Quỳnh); xây dựng Hợp tác xã Chăn nuôi lợn công nghiệp khép kín theo quy trình VietGAP (quy mô 6ha tại xã Đại Áng); xây dựng mô hình nuôi cá thâm canh ứng dụng công nghệ cao...

“Cùng với quá trình đô thị hóa, nông nghiệp của huyện cũng bị ảnh hưởng bởi đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp; tỷ trọng trong cơ cấu nền kinh tế dần thay đổi… Tuy nhiên, chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện” - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Đặng Đức Quỳnh khẳng định.

Bên cạnh kết quả tích cực từ các mô hình, việc đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở địa phương vẫn còn không ít khó khăn cần tháo gỡ. Nguyên nhân là giá các mặt hàng nông sản tăng - giảm không ổn định, gây khó khăn trong định hướng lựa chọn cây trồng, vật nuôi; thị trường tiêu thụ chưa phân biệt rõ giữa sản phẩm ứng dụng công nghệ cao với sản phẩm thông thường nên việc thu hút doanh nghiệp, cá nhân, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực này còn thấp.

Đặc biệt, dịch vụ nông nghiệp, vật tư nông nghiệp phục vụ nông nghiệp công nghệ cao chưa được sản xuất tại chỗ, còn lệ thuộc vào nhập khẩu… “Thanh Trì mong có sự hỗ trợ tích cực từ thành phố và ngành Nông nghiệp Hà Nội trong khuyến khích phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên tất cả các mặt (vốn, kỹ thuật, thị trường…), tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nông nghiệp công nghệ cao gắn với đô thị của Thanh Trì có bứt phá mới” - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Đặng Đức Quỳnh kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bứt phá từ mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với đô thị