Nỗ lực nâng cao tiêu chí môi trường ở Hoài Đức

Ánh Dương| 01/07/2019 07:51

(HNM) - Là huyện có nhiều làng nghề sản xuất bún, miến, bánh, kẹo, chế biến tinh bột… bên cạnh phát triển kinh tế, môi trường của huyện Hoài Đức đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Hướng tới mục tiêu trở thành quận vào năm 2020, Hoài Đức tập trung nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường bằng nhiều giải pháp cụ thể…

Xã Minh Khai (huyện Hoài Đức) có hơn 200 hộ sản xuất bún, phở khô, miến dong.... Quá trình sản xuất, các hộ làm nghề xả trực tiếp nước thải xuống hệ thống tiêu thoát nước chung của xã. Bà Đỗ Thị Quyên, cán bộ môi trường xã Minh Khai cho biết: Mặc dù lượng nước thải của các hộ làm nghề không nhiều và chưa gây ô nhiễm môi trường khu dân cư, nhưng xã luôn chú trọng bảo vệ môi trường, thường xuyên tuyên truyền, yêu cầu các hộ nâng cao ý thức, giữ gìn vệ sinh chung. Mỗi thôn trong xã thành lập một đội tự quản, chịu trách nhiệm kiểm tra, nhắc nhở từng hộ bỏ rác đúng nơi quy định, đúng giờ, có sổ ghi chép số lần nhắc nhở... Nhờ đó, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường ở Minh Khai được bảo đảm. 

Tương tự, ở xã Lại Yên, toàn bộ hệ thống nước thải sinh hoạt, làng nghề được thu gom và chảy ra kênh tiêu chung T2, T26. Các ao, đầm, hồ trong khu dân cư cũng được kè bờ nên không bị nước thải tràn vào gây ô nhiễm. Ông Nguyễn Trọng Đạo ở thôn 1 (xã Lại Yên) chia sẻ: Thôn 1 có đầm nước rộng hàng nghìn mét vuông, được kè bờ, có lan can sắt và đường dạo xung quanh với hệ thống điện chiếu sáng... trở thành nơi điều hòa không khí trong lành cho khu dân cư. Hiện, các đoàn thể: Thanh niên, phụ nữ thôn đang triển khai mô hình treo giò hoa lên lan can sắt, tạo cảnh quan sinh động…

Chú trọng giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư và nơi làm việc, các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Hoài Đức duy trì “Ngày thứ bảy, chủ nhật xanh, sạch đẹp”, thực hiện tổng vệ sinh khu dân cư và trụ sở làm việc; phối hợp với đơn vị chức năng thu gom rác thải sinh hoạt đúng giờ, đạt tỷ lệ từ 95% trở lên.

Riêng vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề tại các xã: Dương Liễu, Cát Quế, Di Trạch… đang được huyện Hoài Đức đặc biệt chú trọng giải quyết. Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức cho biết: Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do xả thải từ các làng nghề trên địa bàn, thành phố hỗ trợ huyện đầu tư Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà (trên địa bàn xã Dương Liễu), có công suất 20.000m3/ngày đêm. Song, trong quá trình sản xuất, một số hộ làm nghề khi sơ chế củ dong, sắn đã xả nước thải có lẫn bã, đất, rác, xơ sợi, gây tắc nghẽn hệ thống bơm nên hoạt động xử lý chất thải, nước thải của nhà máy chưa hiệu quả. 

Để giải quyết những khó khăn trên, chủ đầu tư đã xây dựng, hoàn thiện thêm hệ thống thu gom, dẫn nước thải khu vực đồng ruộng ở các xã: Cát Quế, Minh Khai về nhà máy và công trình hồ điều hòa, tách lọc xơ sợi tại xã Dương Liễu. Nhờ vậy, hiện nay nhà máy hoạt động bảo đảm đạt công suất thiết kế. Ngoài ra, huyện còn được đầu tư thêm Nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng, công suất 8.000m3/ngày đêm, dự kiến trong năm 2019, nhà máy đi vào hoạt động, góp phần xử lý nước thải cho các xã: Đắc Sở, Yên Sở, Sơn Đồng, Đức Giang, Tiền Yên…

“Cùng với thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề, huyện chỉ đạo đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các xã nghề như: Dương Liễu, Cát Quế, Sơn Đồng, La Phù… phát hiện và xử lý nghiêm, dứt điểm vi phạm, nhằm nâng cao tiêu chí bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu sớm trở thành quận xanh, sạch, đẹp, văn minh..." - Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức nêu quyết tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực nâng cao tiêu chí môi trường ở Hoài Đức