Bài toán phát triển nông nghiệp ở Phú Minh

Ánh Dương| 30/06/2019 08:07

(HNM) - Không có nghề phụ, xã Phú Minh (huyện Sóc Sơn) tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp. Người nông dân nơi đây rất cần cù, nhưng do đồng đất manh mún, phụ thuộc thời tiết cùng nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động nên nông nghiệp ở Phú Minh còn nhiều khó khăn. Phát triển nông nghiệp, ổn định đời sống nhân dân đang thực sự là trăn trở của Phú Minh...

(HNM) - Không có nghề phụ, xã Phú Minh (huyện Sóc Sơn) tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp. Người nông dân nơi đây rất cần cù, nhưng do đồng đất manh mún, phụ thuộc thời tiết cùng nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động nên nông nghiệp ở Phú Minh còn nhiều khó khăn. Phát triển nông nghiệp, ổn định đời sống nhân dân đang thực sự là trăn trở của Phú Minh...

Là thôn lớn nhất của xã Phú Minh (hơn 1.100 hộ dân), thôn Đoài được coi là “vựa lúa” trong vùng với 120ha đất nông nghiệp, trong đó, 100ha trồng lúa, diện tích còn lại canh tác lạc, chuối, ngô… Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thôn Đoài Nguyễn Văn Lịch cho biết: Diện tích trồng lúa của thôn luôn ổn định; cây ngô khoảng 10ha, chủ yếu là ngô nếp. Thay vì thu hoạch ngô hạt già, khi bắp đông sữa, người dân nơi đây vào vụ thu hoạch ngô bắp non - hình thức này cho thu nhập cao hơn ngô hạt già bởi phù hợp thị hiếu tiêu dùng. Số diện tích còn lại được trồng lạc, chuối… nhưng hiệu quả không cao.

Cũng là nơi có diện tích canh tác lúa lớn của xã Phú Minh, thôn Đông có 62ha đất nông nghiệp, trong đó, 26,5ha chuyên trồng lúa nếp cái hoa vàng. Điều đặc biệt ở thôn Đông là chất đất phù hợp với giống lúa nếp cái hoa vàng nên cho chất lượng gạo ngon, xôi dẻo, thơm đặc biệt… Nhờ đó, gạo nếp cái hoa vàng của thôn Đông có giá thành cao vượt trội so với các loại gạo khác. “Nếu gạo nếp cái hoa vàng ở nơi khác có giá 28.000-30.000 đồng/kg thì gạo nếp cái hoa vàng của thôn Đông luôn có giá cao hơn. Hiện, loại gạo
này được bán 45.000-50.000 đồng/kg” - Trưởng thôn Đông Nguyễn Thị Hương chia sẻ.

Vốn cần cù nên nông dân thôn Đông không để đồng đất hoang hóa. Từ các nguồn thu trong sản xuất nông nghiệp, số hộ nghèo trong thôn giảm dần theo từng năm. Cả thôn hiện có 563 hộ dân thì chỉ còn 8 hộ nghèo. Ngoài ra, trong thôn ngày càng xuất hiện nhiều hộ khá giả từ sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập chủ yếu nhờ canh tác trên diện tích rộng (1-1,5 mẫu), điển hình là các gia đình: Ông Dương Văn Nghiên, bà Lê Thị Hồng Vân, bà Nguyễn Thị Quyến…

Như các thôn trong xã, thôn Thắng Lợi cũng có tổng diện tích hơn 74ha canh tác, trong đó 16ha chuyên trồng màu, còn lại là trồng lúa, nhưng do thu nhập từ nông nghiệp bấp bênh nên đa số lao động trẻ trong thôn phải bươn chải tìm thêm việc, làm công nhân, thợ xây…

Ngoài trồng lúa, ngô, lạc... Phú Minh cũng có một số diện tích trồng nhài, thu hoạch hoa phục vụ doanh nghiệp chế biến trà nhài, song cũng chỉ hoạt động mùa vụ, thu nhập không ổn định. “Việc tìm hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân đang là bài toán khó của chính quyền địa phương. Do địa bàn xã nằm trong vùng quy hoạch sân bay nên không thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cấy lúa sang trồng các loại cây ăn quả cho thu nhập cao như nơi khác...” - Chủ tịch UBND xã Phú Minh Nguyễn Kim Thanh trăn trở.

Một trở ngại nữa ảnh hưởng đến phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương là gạo nếp cái hoa vàng của Phú Minh mặc dù có giá trị cao gấp 2,5-3 lần so với gạo tẻ, nhưng do đầu ra chưa ổn định nên nông dân chỉ sản xuất cầm chừng...

Để tìm hướng đi mới, nâng cao hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn đang có nhiều giải pháp thiết thực. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Ngọc Tân, gạo nếp cái hoa vàng Phú Minh là loại gạo đặc sản, được Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam hỗ trợ, phục tráng thành công, nâng cao chất lượng giống.

Hiện nay, huyện đang phối hợp với đơn vị chức năng hướng dẫn nông dân xã Phú Minh sản xuất gạo nếp cái hoa vàng theo quy trình VietGAP. Dự kiến, cuối năm 2019, Phú Minh được cơ quan chức năng cấp chứng nhận vùng sản xuất nếp cái hoa vàng theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, huyện và các sở, ngành chức năng cũng đang giúp xã xây dựng thương hiệu tập thể “Nếp cái hoa vàng Phú Minh”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài toán phát triển nông nghiệp ở Phú Minh