Hai huyện Ba Vì, Quốc Oai tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số

Khánh Thu| 20/06/2019 14:07

(NSHN) - Ngày 20-6, hai huyện Ba Vì, Quốc Oai tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III nhằm đánh giá kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2014-2019.

(NSHN) - Ngày 20-6, hai huyện Ba Vì, Quốc Oai tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III nhằm đánh giá kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2014-2019.

Tham dự đại hội của huyện Ba Vì có 150 đại biểu chính thức đại diện cho 30 nghìn đồng bào thuộc 19 dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

5 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đời sống của đồng bào dân tộc miền núi huyện Ba Vì ngày càng được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được củng cố và giữ vững; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội vùng miền núi của huyện chuyển biến tích cực. Thành phố đã trực tiếp đầu tư và huy động nguồn vốn ủng hộ của các quận nội thành cho 119 dự án của huyện với tổng kinh phí gần 1.250 tỷ đồng.

Cơ cấu kinh tế vùng dân tộc thiểu số miền núi của huyện chuyển dịch theo hướng phát triển bền vững. Kinh tế khu vực 7 xã miền núi của huyện (tập trung chủ yếu người dân tộc thiểu số) đạt tốc độ tăng trưởng 11,39% (vượt 1,39% so với mục tiêu); thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/năm, vượt chỉ tiêu 4 triệu đồng/người/năm.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng làng, cơ quan, đơn vị văn hóa được đẩy mạnh, đến cuối năm 2018, có 40/77 làng ở các xã miền núi đạt danh hiệu văn hóa; 86,1% hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.

Triển khai đề án “Bảo tồn, khôi phục và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số huyện Ba Vì giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020 và những năm tiếp theo” của huyện, đến nay, tại 7 xã miền núi đã thành lập Đội bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số. Huyện đã bàn giao cho các xã 18 bộ cồng chiêng Mường, 3 bộ chuông chiêng Dao, hằng năm tổ chức thi đấu các môn thể thao truyền thống dân tộc thiểu số, các lễ hội, hội thi tại các xã.

Đại hội đã đề ra các mục tiêu giai đoạn 2019-2024, trong đó phấn đấu đến năm 2024, đồng bào vùng dân tộc thiểu số của huyện có thu nhập bình quân 55 triệu đồng/người/năm, không còn hộ nghèo.

Tại đại hội, UBND thành phố biểu dương 7 cá nhân, Ban Dân tộc thành phố biểu dương 18 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn huyện.

* Cùng ngày, huyện Quốc Oai cũng tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III.

Giai đoạn 2014-2019, vùng dân tộc miền núi 2 xã Đông Xuân, Phú Mãn của huyện đã được đầu tư 34 dự án với tổng kinh phí gần 405 tỷ đồng. Địa bàn hai xã có nhiều khởi sắc, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, trụ sở UBND xã... 100% thôn có đường bê tông hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; hơn 95% đường liên thôn, đường trục chính của thôn được bê tông hóa; 100% hộ dân dùng điện lưới quốc gia. Năm 2016, hai xã Đông Xuân, Phú Mãn đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Đại hội đề ra mục tiêu đến năm 2024, hai xã vùng dân tộc miền núi của huyện Quốc Oai đạt mức tăng trưởng kinh tế hơn 15%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 55 triệu đồng/năm.

Tại đại hội, UBND thành phố biểu dương 5 tập thể, cá nhân, Ban Dân tộc thành phố biểu dương 10 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn huyện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hai huyện Ba Vì, Quốc Oai tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số