Hiệu quả từ trồng dược liệu ở Sóc Sơn

Đỗ Minh| 05/06/2019 08:26

(HNM) - Tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, người dân huyện Sóc Sơn đã tập trung phát triển nghề trồng cây dược liệu. Từ những mô hình nhỏ lẻ, đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng trồng dược liệu hữu cơ quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng thu nhập cho nông dân.

(HNM) - Tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, người dân huyện Sóc Sơn đã tập trung phát triển nghề trồng cây dược liệu. Từ những mô hình nhỏ lẻ, đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng trồng dược liệu hữu cơ quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng thu nhập cho nông dân.

Năm 2014, sau khi thành lập mới và kiện toàn, Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn bắt đầu mở rộng quy mô trồng cây dược liệu hữu cơ ở xã Bắc Sơn và một số xã như Xuân Giang, Trung Giã… của huyện Sóc Sơn. Giám đốc Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn Nguyễn Thanh Tuyền cho biết, thời điểm mới thành lập, diện tích trồng cây dược liệu của hợp tác xã chỉ vỏn vẹn 5ha. Đến nay, con số này được nâng lên 21ha ở xã Bắc Sơn và 5ha tại xã Xuân Giang với nhiều cây dược liệu chủ lực: Chè hoa vàng, xuyên khung, khôi tía, dẻ quạt, cát canh, bạch hoa xà thiệt thảo, bán chi liên, phúc bồn tử…

Ngoài ra, Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn còn trồng bảo tồn nhiều dược liệu quý, nổi bật là giống trà hoa vàng Hakoda. Hiện nay, hợp tác xã đã sản xuất thành công loại trà này và đã được bảo hộ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý quốc tế. Các sản phẩm trà thảo mộc được sản xuất từ cây dược liệu của hợp tác xã đã được giới thiệu, quảng bá ở nhiều hội chợ nông nghiệp hữu cơ quốc tế tổ chức tại Italia, Singapore, Nhật Bản…

Không chỉ tạo nguồn dược liệu quý, Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn còn tạo việc làm cho 21 lao động tại địa phương với mức lương ổn định 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, mỗi tháng, hợp tác xã hỗ trợ mỗi lao động 1 triệu đồng cộng vào sổ tiết kiệm…

Chia sẻ về quá trình phát triển mô hình trồng dược liệu tại Sóc Sơn, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Ngọc Tân cho hay, trước năm 2015, toàn huyện có gần 15ha trồng cây dược liệu tập trung ở các xã: Hiền Ninh, Minh Trí, Minh Phú. Chủng loại cây trồng chủ yếu là nhân trần với diện tích 10ha ở xã Hiền Ninh, 5ha thanh hao hoa vàng ở xã Minh Trí và Minh Phú, nhưng quy mô nhỏ lẻ, manh mún, các tiến bộ kỹ thuật chưa được áp dụng vào sản xuất... Vì vậy, mô hình trồng cây dược liệu chưa thật bền vững, thu nhập của người dân không ổn định…

Mô hình trồng cây dược liệu hữu cơ ở xã Bắc Sơn được áp dụng thành công đã mở ra triển vọng mới. Những năm qua, huyện Sóc Sơn đã đầu tư hỗ trợ phát triển vùng sản xuất cây dược liệu tại nhiều xã trên địa bàn. Cùng với các chính sách hỗ trợ cây giống, phân bón hữu cơ, công nghệ sản xuất, chế biến… đến nay, toàn huyện đã hình thành vùng trồng cây dược liệu hữu cơ với tổng diện tích 66ha, cho thu nhập bình quân hơn 420 triệu đồng/ha/năm. Để định danh cho sản phẩm dược liệu của địa phương, UBND huyện Sóc Sơn đã có văn bản đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sở hữu tập thể “Cây dược liệu hữu cơ Sóc Sơn”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh cho biết, phát huy thế mạnh hiện có, thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu hữu cơ tại các xã vùng đồi gò. Cùng với đó, huyện tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển vùng trồng và chế biến dược liệu. Qua đó, từng bước xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, kết hợp phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp sinh thái...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ trồng dược liệu ở Sóc Sơn