Làng nghề ở Thạch Thất với nỗi lo mặt bằng

Trung Nguyên| 03/06/2019 11:24

(HNM) - Những năm qua, huyện Thạch Thất thực hiện nhiều giải pháp bảo tồn, phát triển và xây dựng thương hiệu cho các làng nghề truyền thống trên địa bàn, góp phần phát huy giá trị sản phẩm làng nghề, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.

(HNM) - Những năm qua, huyện Thạch Thất thực hiện nhiều giải pháp bảo tồn, phát triển và xây dựng thương hiệu cho các làng nghề truyền thống trên địa bàn, góp phần phát huy giá trị sản phẩm làng nghề, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương. Song, do các làng nghề thiếu mặt bằng để sản xuất dẫn tới nhiều hệ lụy và là rào cản của sự phát triển.

Xã Dị Nậu của huyện Thạch Thất có nghề truyền thống làm mộc, nhưng chưa có cụm công nghiệp tập trung nên hầu hết các hộ làm nghề phải sử dụng nơi ở của gia đình làm mặt bằng sản xuất. Phó Chủ tịch UBND xã Dị Nậu Nguyễn Văn Xuân cho hay, nghề mộc ở Dị Nậu rất đa dạng sản phẩm, như: Đồ thờ, nhà cổ, giường tủ, mộc xây dựng (cửa, khuôn cửa, ván sàn…). Toàn xã có hơn 50% số hộ làm nghề và một số hộ làm kinh doanh dịch vụ đồ gỗ, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động của địa phương. Tuy nhiên, bất cập ở Dị Nậu là đa số các hộ làm nghề tại nhà nên khu sản xuất rất chật chội, gây ô nhiễm...

Là một trong những hộ làm nghề mộc ở xã Dị Nậu, anh Nguyễn Tuấn Anh (thôn Hòa Bình) chia sẻ: “Do thiếu mặt bằng làm xưởng sản xuất nên chúng tôi bị hạn chế trong đầu tư công nghệ máy móc, thiết bị hiện đại. Hiên nay vì không có kho chứa sản phẩm nên chúng tôi luôn phải đau đầu tìm nơi tập kết, hoặc chở nhiều chuyến cho khách, vừa mất thời gian, vừa tốn kém…

Tương tự, tại các xã có nghề may, mộc của huyện Thạch Thất như: Chàng Sơn, Hữu Bằng, Canh Nậu, Hương Ngải… cũng đang bức thiết về thiếu mặt bằng sản xuất. Theo Chủ tịch UBND xã Canh Nậu Nguyễn Trung Chi, trên địa bàn có khoảng 2.500 hộ làm nghề mộc, chiếm 70% số hộ toàn xã. Từ năm 2007, Canh Nậu được quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề với diện tích 10,7ha, song chỉ đáp ứng mặt bằng sản xuất cho 300 hộ làm nghề; số hộ còn lại buộc phải làm tại nhà hoặc đến địa phương khác thuê mặt bằng. Hiện, xã đang kiến nghị các cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch mở rộng cụm công nghiệp làng nghề thêm 17ha nữa, có thể đáp ứng cho khoảng 500 hộ làm nghề. Tuy nhiên, nếu được phê duyệt cũng chỉ đáp ứng mặt bằng cho 1/3 số hộ sản xuất, kinh doanh…

Hiện, toàn huyện Thạch Thất có 10 làng nghề truyền thống: May, mộc xây dựng, nhà gỗ cổ truyền, mây tre giang đan, chè lam, chè kho… trong đó, 2 làng nghề đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể (sản phẩm mộc xã Chàng Sơn, bánh chè lam xã Thạch Xá). Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng, từ năm 2018 đến nay, huyện tập trung xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cơ kim khí của làng nghề xã Phùng Xá và chè kho xã Đại Đồng; số làng nghề còn lại đang tiếp tục thực hiện các khâu cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề thiếu mặt bằng sản xuất đang cản trở quá trình xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm làng nghề ở Thạch Thất.

“Để tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề, Thạch Thất tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các bước thực hiện dự án Cụm công nghiệp xã Dị Nậu (diện tích 10ha); đồng thời, sớm quy hoạch Cụm công nghiệp xã Chàng Sơn (15,3ha)… Các cụm công nghiệp hình thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các làng nghề phát triển bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ theo hướng tích cực. Đó là cách thiết thực để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn” - Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng nêu giải pháp cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng nghề ở Thạch Thất với nỗi lo mặt bằng