Ngọc Hồi - miền đất giàu truyền thống

Sơn Tùng| 02/06/2019 07:58

(NSHN) - Cận kề quốc lộ 1A, xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) có tốc độ đô thị hóa nhanh. Những năm qua, xã xây dựng nông thôn mới thành công và đang trên lộ trình lên phường khi huyện Thanh Trì trở thành quận.

(NSHN) - Cận kề quốc lộ 1A, xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) có tốc độ đô thị hóa nhanh. Những năm qua, xã xây dựng nông thôn mới thành công và đang trên lộ trình lên phường khi huyện Thanh Trì trở thành quận. Song, dù trong hoàn cảnh nào, Ngọc Hồi không ngừng phát huy miền đất giàu truyền thống với các di tích lịch sử luôn được tôn tạo, chăm sóc; đặc biệt, người dân Ngọc Hồi luôn gìn giữ được nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam…

Nhắc đến Ngọc Hồi nhiều người vẫn nhớ tới di tích nổi tiếng là Tượng đài Chiến thắng Ngọc Hồi (30-1-1789, tức mùng 5 tháng Giêng xuân Kỷ Dậu) với nhiều hạng mục: Cổng, nhà lục giác, khán đài, nhà khách… được xây dựng từ năm 1989 nhân kỷ niệm 200 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Cô giáo Vương Thị Thùy Dung, giáo viên Trường Trung học cơ sở Ngọc Hồi thường đưa học trò đến tượng đài này để các em hiểu thêm về truyền thống hào hùng của quê hương.

“Sử sách tại địa phương ghi rõ, thế kỷ XVIII, nơi đây xảy ra trận công phá đồn Ngọc Hồi vào rạng sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu (30-1-1789). Vết tích của hệ thống đồn lũy Ngọc Hồi được xác định qua các địa danh: Đồng Đồn, Nền Đồn, Cây Đa Đồn. Vua Quang Trung đầu chít khăn vàng, cưỡi voi, đích thân chỉ huy đội quân cảm tử, có các bức ván gỗ bện rơm ngấm nước phủ kín làm áo giáp, dàn hàng ngang đồng loạt tấn công vào đồn khiến quân Thanh bỏ chạy tán loạn, xéo lên nhau mà chết. Số sống sót chạy về phía Bắc làng Ngọc Hồi. Một cuộc quyết chiến diễn ra tại đây đã được sử cũ ghi lại "thây giặc nằm đầy đồng, máu chảy thành suối"; tài liệu địa danh minh chứng thêm: Các gò Mả Cả, Mả Ngô là nơi chôn xác giặc, Ao Máu là nơi máu giặc ngập ngụa.

Các tướng giặc là Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long đều tử trận. Sầm Nghi Đống cũng thắt cổ tự tử tại Ngọc Hồi. Quân Tây Sơn thừa thắng tiến vào Khương Thượng - Đống Đa, giải phóng Kinh thành Thăng Long vào chiều mùng 5 Tết. Trong chiến công ấy, có sự đóng góp không nhỏ của người dân Ngọc Hồi về nhân lực, vật lực...” - cô giáo Vương Thị Thùy Dung tự hào cho hay.

Không chỉ Tượng đài Chiến thắng Ngọc Hồi, đình Ngọc Hồi cũng là một trong những di tích lịch sử có kiến trúc đẹp trên địa bàn huyện. Cùng với các di tích lịch sử giàu truyền thống, xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, các tập tục văn hóa của Ngọc Hồi cũng rất độc đáo. Ông Hoàng Tuấn Vị, Chi hội Người cao tuổi thôn Ngọc Hồi chia sẻ: Ở Ngọc Hồi có các giáp họ lớn, như:

Họ Hoàng, họ Nguyễn Viết, họ Nguyễn Văn và họ Phạm. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các lệ tục về ngôi thứ, tế lễ ở Ngọc Hồi rất cầu kỳ. Các làng trong khu vực có tục kết nghĩa với nhau, khi đến lượt phải làm cỗ đón quan anh - làng trên vào ngày 10 tháng Hai, các làng quan em đều phải mổ trâu hoặc bò rất tốn kém. Cũng trong dịp như vậy, ở Ngọc Hồi còn có tục làm cỗ bổn bàn. Hằng năm, những người từ 18 tuổi trở lên ở các làng phải có một người đăng cai làm mâm cỗ 3 tầng, gồm: Thịt gà, giò chả, cá chép luộc cùng nhiều món ăn khác để dâng cúng Thành hoàng làng và đãi khách quý của làng. Ngày nay, trong lễ hội của các thôn, việc làm cỗ 3 tầng không còn khắt khe như xưa, song vẫn được người dân duy trì như nét văn hóa truyền thống của quê hương...

Cùng với sự phát triển đô thị mạnh mẽ, Ngọc Hồi đặc biệt coi trọng giữ gìn các di tích lịch sử, phong tục tập quán truyền thống của địa phương. Chính quyền địa phương động viên các hộ gia đình duy trì hệ thống giếng làng sạch đẹp cùng nhiều cảnh quan đặc trưng của làng quê Bắc Bộ. Ngoài ra, các công trình kiến trúc cổ kính của địa phương vốn có khuôn viên rộng, kiến trúc đẹp, có nhiều cây xanh bóng mát, cây cổ thụ… đều được người dân chăm sóc, giữ gìn. "Thời gian qua, từ nhiều nguồn, trong đó, phần lớn nhờ xã hội hóa, hệ thống đình, chùa, các di tích lịch sử trên địa bàn xã đều được tu sửa, tạo nên một Ngọc Hồi đô thị hóa xen những giá trị truyền thống lịch sử lâu đời đáng trân trọng" - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Hồi Nguyễn Văn Hưng chia sẻ.

Không chỉ coi trọng gìn giữ các di tích lịch sử, xã Ngọc Hồi với hơn 4.000 hộ dân còn vừa hoàn thành xây dựng nông thôn mới và đang rà soát các tiêu chí nhằm đáp ứng yêu cầu cấp phường khi huyện Thanh Trì thành quận. Trong đó, xã chú trọng về: Hệ thống cây xanh, đèn chiếu sáng, giao thông, trường học, đánh số nhà… Nhiều khu đô thị, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, khu dân cư đã mang dáng dấp đô thị với cửa hàng, cửa hiệu, nhà cao tầng… tạo diện mạo hiện đại, khang trang cho địa phương.

"Truyền thống quý báu của địa phương là nền tảng vững chắc cho các thế hệ người dân Ngọc Hồi thêm động lực để nỗ lực học tập, lao động sáng tạo và tiếp tục góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, đậm đà bản sắc" - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Hồi Nguyễn Văn Hưng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngọc Hồi - miền đất giàu truyền thống