Cấp thiết đẩy nhanh tiến độ cải tạo sông Tích

Kim Nhuệ| 24/05/2019 06:52

(HNM) - Tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công công trình tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích rất chậm, gây ra nhiều hệ lụy. Khắc phục vấn đề này là nhiệm vụ cấp bách của huyện Ba Vì.

(HNM) - Tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công công trình tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích rất chậm, gây ra nhiều hệ lụy. Khắc phục vấn đề này là nhiệm vụ cấp bách của huyện Ba Vì.

Ba năm nay, nhiều hộ dân ở xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì) có ruộng mà không thể canh tác hoặc canh tác nhưng không được thu hoạch. Cụ thể, vụ đông xuân 2016-2017, toàn xã bị úng ngập làm mất trắng 157ha lúa; vụ đông 2018 bị thiệt hại 20ha ngô; vụ xuân 2019 không thể gieo cấy 28ha. Theo Quyền Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh Vũ Văn Hà, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do thiên tai và chậm trễ thi công công trình tiếp nước, cải tạo và khôi phục sông Tích...

Việc chậm trễ thi công công trình nêu trên, theo ông Đinh Công Sơn, Giám đốc Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (đơn vị được Sở NN&PTNT Hà Nội giao làm đại diện chủ đầu tư dự án tiếp nước, cải tạo và khôi phục sông Tích), chủ yếu do huyện Ba Vì chưa bàn giao đủ mặt bằng.

Để thực hiện dự án tiếp nước, cải tạo và khôi phục sông Tích, huyện Ba Vì phải thu hồi, giải phóng mặt bằng hơn 286,7ha đất của khoảng 7.050 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc địa bàn 9 xã, thị trấn, với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 1.948 tỷ đồng. Đến thời điểm này, huyện Ba Vì đã phê duyệt xong phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng được 284,34ha và đã bàn giao 231,31ha cho chủ đầu tư nhưng không liền thửa. Ông Kiều Văn Tài, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Ba Vì cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay trong giải phóng mặt bằng phục vụ dự án trên là nhiều hộ tự trao đổi đất, thiếu giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất; một số người dân chưa đồng ý giá bồi thường, hỗ trợ về đất và vật kiến trúc… Do đó, huyện Ba Vì chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đúng thời gian.

Ông Phùng Văn Hệ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh (đơn vị thi công) cho rằng, việc chậm bàn giao mặt bằng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho đơn vị thi công mà còn giảm hiệu quả nguồn vốn đầu tư công trình trọng điểm nêu trên. "Nếu từ nay đến ngày 26-5, các hộ dân ở xã Cẩm Lĩnh và Vật Lại bàn giao mặt bằng thì đầu tháng 6 tới, chúng tôi sẽ thông dòng sông Tích…”, ông Phùng Văn Hệ khẳng định.

Trước tình hình trên, Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền huyện, ngay thời điểm này, phải xác định, việc giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công thông dòng sông Tích là nhiệm vụ trọng tâm, không thể chậm trễ, nhất là mùa mưa bão đã cận kề. Các cấp ủy đảng, chính quyền của huyện phải cấp bách vào cuộc chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc; trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động để nhân dân đồng thuận sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công. Trước mắt, huyện Ba Vì tập trung giải quyết kiến nghị, vận động hai hộ dân ở xã Cẩm Lĩnh và 42 hộ dân ở xã Vật Lại; sau đó sẽ tập trung giải quyết những trường hợp còn lại ở các xã, thị trấn: Tây Đằng, Tiên Phong, Cam Thượng, Thụy An. "Để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện Ba Vì rất cần người dân tiếp tục ủng hộ, sớm bàn giao đất cho dự án. Đối với những trường hợp cố tình làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án này, huyện sẽ kiên quyết xử lý", Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp thiết đẩy nhanh tiến độ cải tạo sông Tích