Đánh thức không gian văn hóa

Nguyễn Thanh| 21/04/2019 07:55

(HNM) - Quận Hoàn Kiếm đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để đục thông thí điểm vòm cầu 93 (khu vực góc phố Gầm Cầu nối Hàng Giấy). Đây là cơ sở để triển khai đục thông các vòm cầu còn lại, phục vụ việc xây dựng, hoàn thiện đề án “Không gian văn hóa, thương mại dịch vụ, du lịch khu vực 131 vòm cầu theo chủ trương bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ trong tổng thể di sản văn hóa Hà Nội” của UBND thành phố.

(HNM) - Quận Hoàn Kiếm đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để đục thông thí điểm vòm cầu 93 (khu vực góc phố Gầm Cầu nối Hàng Giấy). Đây là cơ sở để triển khai đục thông các vòm cầu còn lại, phục vụ việc xây dựng, hoàn thiện đề án “Không gian văn hóa, thương mại dịch vụ, du lịch khu vực 131 vòm cầu theo chủ trương bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ trong tổng thể di sản văn hóa Hà Nội” của UBND thành phố.

Một đề án, đa lợi ích


Vòm cầu 93 là đại diện cho hệ kết cấu cầu bịt hai mặt ở trong rỗng, 1 trong 6 hệ kết cấu phổ biến của 131 vòm cầu đường sắt đoạn từ phố Phùng Hưng tới Ga Long Biên. Khi tiến hành thí điểm, đơn vị thi công sẽ áp dụng các giải pháp gia cố, nâng cấp để bảo đảm tuyến đường sắt phía trên vòm cầu lưu thông an toàn, đồng thời tận dụng được không gian gầm cầu cho việc phát triển dịch vụ du lịch trên cơ sở kết nối các không gian văn hóa của khu phố cổ.

Các vòm cầu bị bịt hiện được trang trí bằng bích họa tạo điểm nhấn thu hút du khách.


Ông Đặng Đình Bằng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý phố cổ Hà Nội (đơn vị chủ đầu tư dự án) cho hay: Việc đục thông thí điểm vòm cầu 93 là cơ sở để triển khai đục thông các vòm cầu còn lại, phục vụ việc xây dựng, hoàn thiện đề án “Không gian văn hóa, thương mại dịch vụ, du lịch khu vực 131 vòm cầu theo chủ trương bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ trong tổng thể di sản văn hóa Hà Nội” của UBND thành phố. Hiện tại, các thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng cho việc đục thông thí điểm vòm cầu 93 đã hoàn tất. Thời hạn để hoàn thành đục thông vòm cầu 93 là từ nay đến ngày 26-5.

Đề án “Không gian văn hóa, thương mại dịch vụ, du lịch khu vực 131 vòm cầu theo chủ trương bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ trong tổng thể di sản văn hóa Hà Nội” được kỳ vọng sẽ mở ra không gian văn hóa giàu bản sắc, đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần nâng cao hơn nữa đời sống kinh tế cho người dân trong khu vực. Tại khu vực này hiện có 4/131 vòm cầu thông đường, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. 127 vòm cầu vẫn đang bít kín do yêu cầu của giai đoạn lịch sử trước đó. Dự kiến, sau khi được phục hồi nguyên trạng, các vòm cầu này sẽ được khai thác thành các không gian sáng tạo, giới thiệu sản phẩm làng nghề, ẩm thực truyền thống cũng như các sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn khác. Việc mở các vòm cầu cũng tạo tổng thể hoàn chỉnh cho khu vực Hàng Đào - Hàng Giấy, là điểm kết nối đặc biệt với không gian bích họa phố Phùng Hưng.

Còn nhiều việc phải làm

Cầu dẫn đường sắt nối Ga Hà Nội với cầu Long Biên có từ năm 1902, được xây dựng bằng đá với kiến trúc vòm rỗng, giúp giao thông thuận lợi. Tuy nhiên, vào những năm 1980, hầu hết các vòm cầu này được xây kín để bảo đảm vệ sinh và an ninh trật tự trong khu vực. Việc này vô tình chia cắt khu phố cổ Hà Nội với khu di tích Hoàng thành Thăng Long và nhiều điểm đến lịch sử, văn hóa độc đáo khác của Thủ đô. Chưa kể, qua thời gian, tình trạng lấn chiếm không gian làm nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống, trông giữ xe… phát sinh ở khu vực trên đã tạo ra hình ảnh nhếch nhác, tạm bợ, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị.

Trước tình hình đó, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thủ đô Hà Nội, nâng cao chất lượng sống cho người dân quanh khu vực, đầu năm 2017, UBND thành phố Hà Nội giao UBND quận Hoàn Kiếm khảo sát, nghiên cứu, phát huy không gian tuyến gầm cầu dẫn này gắn với các hoạt động văn hóa, du lịch, quảng bá di sản, trong đó, có chủ trương khôi phục không gian vòm cầu đoạn từ phố Phùng Hưng tới Ga Long Biên, phục vụ cho mục đích phát triển không gian văn hóa sáng tạo, quảng bá du lịch. Để thành công, nhiệm vụ này cần bảo đảm các yêu cầu về an toàn đường sắt cũng như môi trường cảnh quan, tạo điều kiện phù hợp cho các hoạt động phát huy hiệu quả.

Theo Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, việc tiến hành đánh giá khả năng chịu tải, tìm ra các biện pháp gia cố phù hợp là nhiệm vụ quan trọng, bởi đây không chỉ là cơ sở để tiến hành khôi phục thành công các vòm cầu tiếp theo mà còn nhằm bảo đảm an toàn cho người dân cũng như không làm ảnh hưởng đến quá trình khai thác của tuyến đường sắt chạy qua. Quá trình thi công cũng cần được triển khai cẩn trọng với những đòi hỏi cao về mặt kỹ, mỹ thuật. Hiện nay, các đơn vị liên quan đã tiến hành thu thập tài liệu, cập nhật hiện trạng để có những giải pháp phù hợp nhất. Quá trình đục thông vòm cầu sẽ được thực hiện song hành với việc gia cố, chống đỡ công trình bằng kết cấu khung vòm thép. Trục đường sắt phía trên khu vực thi công cũng sẽ được thực hiện bó ray. Trong trường hợp cần thiết, đơn vị thi công sẽ xin phép cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh tốc độ tàu chạy qua khu vực trong thời gian thi công...

Quận Hoàn Kiếm dự kiến, sau khi hoàn thành đục thông thí điểm vòm cầu đầu tiên, trên cơ sở tham khảo các chuyên gia cũng như các đơn vị liên quan, sẽ đề xuất với thành phố triển khai không gian chức năng phù hợp, tạo sức hấp dẫn cho khu vực vòm cầu 93, như trở thành không gian giới thiệu, quảng bá ẩm thực truyền thống của phố cổ. Cùng với đó sẽ tiến hành đề nghị thực hiện đục thông các vòm cầu tiếp theo cũng như đề xuất các giải pháp cải tạo hạ tầng, chỉnh trang mặt đứng, dọc tuyến để tạo sự đồng bộ.

Cùng với đó, Ban Quản lý phố cổ cũng đang tích cực xây dựng các phương án khai thác không gian vòm cầu cho phù hợp với yêu cầu phát huy giá trị di sản văn hóa cũng như điều kiện cơ sở hạ tầng quanh khu vực... Có thể thấy lộ trình từ đục thông thí điểm vòm cầu 93 tiến tới thực hiện thi công, khai thác các vòm cầu còn lại, còn rất nhiều việc phải làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh thức không gian văn hóa