Mê Linh đẩy mạnh chuỗi sản xuất - tiêu thụ

Ánh Dương| 19/04/2019 07:37

(HNM) - Nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh và chủ động thị trường cho nông sản, thời gian qua, huyện Mê Linh nỗ lực hỗ trợ nông dân trên địa bàn xây dựng thành công nhiều mô hình chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ. Kết quả ban đầu cho thấy các chuỗi đang phát huy hiệu quả và minh chứng cho hướng đi tích cực của huyện...

(HNM) - Nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh và chủ động thị trường cho nông sản, thời gian qua, huyện Mê Linh nỗ lực hỗ trợ nông dân trên địa bàn xây dựng thành công nhiều mô hình chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ. Kết quả ban đầu cho thấy các chuỗi đang phát huy hiệu quả và minh chứng cho hướng đi tích cực của huyện...


Thôn Đông Cao (xã Tráng Việt) có tổng diện tích canh tác rau 200ha, trong đó có 124ha sản xuất rau an
toàn và 10ha theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng sản lượng khoảng 35.000 tấn/năm; riêng vùng trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất 600 tấn/năm. Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao Vũ Văn Kỳ, trước đây việc tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả khá gian nan bởi lượng cung ứng cho 2 đơn vị bao tiêu (Vifoco ở tỉnh Bắc Giang và VinEco tại Hà Nội) do hợp tác xã ký kết với số lượng không nhiều. Phần lớn sản phẩm do thương lái thu mua rồi đưa đến các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố hoặc thành viên tự tìm nơi tiêu thụ, thu nhập không ổn định...

Từ cuối năm 2017, hợp tác xã được Phòng Kinh tế huyện Mê Linh hỗ trợ xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau, củ... trên vùng diện tích đã được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. Tham gia chương trình, xã viên của hợp tác xã được tập huấn, trang bị kiến thức về chuỗi, liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; ký cam kết sản xuất an toàn và được hỗ trợ 70% lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trên diện tích trồng rau. Sản phẩm rau, củ của hợp tác xã được cấp tem, mã vạch, mã QrCode; được thiết kế bộ nhận diện thương hiệu và xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm... từ đó, đầu ra dần tăng, thu nhập của xã viên tăng theo.

Thông qua chuỗi sản xuất và tiêu thụ, sản phẩm rau, củ của Đông Cao không chỉ cung ứng lượng lớn cho thị trường Hà Nội và một số hệ thống siêu thị lớn mà còn vươn tới nhiều tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An… với mức ổn định 30-40 tấn/tháng. Ông Đỗ Văn Quang ở thôn Đông Cao (xã Tráng Việt) vui mừng cho biết: “Gia đình tôi canh tác trên diện tích 1,9 mẫu, chủ yếu trồng củ cải đường và củ cải muối dưa. Từ khi tham gia chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi không phải vất vả tìm đầu ra. Hiện, tháng nào gia đình tôi cũng bán được 3-4 tấn rau, củ với giá cao hơn so với trước đây 10-20%”.

Chung niềm vui về tiêu thụ nông sản, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong Nguyễn Thế Lâm (thôn Yên Thị, xã Tiến Thịnh) cho biết, hợp tác xã trồng các loại quả (ổi, đu đủ, bưởi, chuối, táo...) quy mô hơn 20ha, trước đây, khi chưa được cấp chứng nhận, sản phẩm rất khó vào được các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch… Từ khi thực hiện xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, hợp tác xã đăng ký và được cơ quan chức năng cấp chứng nhận vùng trồng quả theo tiêu chuẩn VietGAP, đến nay, sản phẩm quả các loại của hợp tác xã đã có mặt tại nhiều hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch của các tỉnh, thành phố, như: Ikonfoods Khương Đình (Hà Nội), An Mộc (Hải Phòng), ZoZo food (Yên Bái), SHQ Phúc Yên (Vĩnh Phúc)… với tổng doanh thu đạt từ 500 đến 700 triệu đồng/ha/năm...

"Các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản của huyện đã góp phần cung cấp cho thị trường những sản phẩm an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Thời gian tới, Mê Linh tập trung xây dựng thêm một số chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của địa phương (trong đó có quả bưởi tại xã Tráng Việt), qua đó tạo ra nhiều mặt hàng nông sản uy tín, có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh tại thị trường trong và ngoài nước; góp phần tăng thu nhập cho người dân" - Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mê Linh đẩy mạnh chuỗi sản xuất - tiêu thụ