Sóc Sơn dồn lực chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi

Kim Văn| 19/04/2019 07:33

(HNM) - Sau hơn một tháng xâm nhiễm vào địa bàn, đến nay bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra 17/26 xã, thị trấn của huyện Sóc Sơn. Để nhanh chóng khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi, huyện Sóc Sơn đang dồn lực thực hiện nhiều giải pháp cụ thể.

(HNM) - Sau hơn một tháng xâm nhiễm vào địa bàn, đến nay bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra 17/26 xã, thị trấn của huyện Sóc Sơn. Để nhanh chóng khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi, huyện Sóc Sơn đang dồn lực thực hiện nhiều giải pháp cụ thể.


Mặc dù đã chủ động nhiều biện pháp phòng ngừa nhưng ngày 6-3 vừa qua, bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn xâm nhiễm đàn lợn 24 con của một hộ chăn nuôi ở thôn Xuân La (xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn). Ngay sau khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi, huyện Sóc Sơn đã tổ chức tiêu hủy đàn lợn bị mắc bệnh đúng quy định, kịp thời hỗ trợ cho hộ chăn nuôi. Cùng với đó, Sóc Sơn nhanh chóng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân tham gia tiêu độc, khử trùng chuồng trại và các trục đường; thành lập 34 chốt kiểm dịch tại các xã và huyện (với tổng số 306 người tham gia). Bên cạnh đó, Sóc Sơn còn thành lập 2 tổ công tác liên ngành: Chăn nuôi và thú y, công an, quản lý thị trường, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn.

Tuy nhiên sau hơn một tháng xâm nhiễm, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra 165 hộ, 46 thôn thuộc 17 xã của huyện Sóc Sơn; làm mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy 1.790 con lợn, tổng trọng lượng hơn 120.000 tấn. Với diễn biến này, Sóc Sơn đang dẫn đầu 14 quận, huyện trên địa bàn thành phố về tốc độ lây nhiễm và thiệt hại do bệnh Dịch tả lợn châu Phi gây ra. Đáng ngại hơn, bệnh hiện vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lây lan trên địa bàn huyện.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, huyện tiếp giáp với 4 tỉnh đang xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc. Trên địa bàn huyện có 2 dòng sông và 4 tuyến quốc lộ chạy qua, mật độ phương tiện lưu thông rất lớn - đây là điều kiện cho mầm bệnh từ địa phương khác dễ dàng xâm nhập… Ngoài ra, trên địa bàn có 71 chợ tạm kinh doanh thịt lợn và các sản phẩm từ lợn; hơn 270 hộ làm nghề giết mổ, kinh doanh thịt lợn. Đặc biệt, sau khi được tuyên truyền bệnh Dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, một số hộ chăn nuôi và người dân còn chủ quan, chưa quyết liệt thực hiện khuyến cáo của cơ quan chuyên môn: Vẫn kinh doanh, tiêu thụ thịt lợn không rõ nguồn gốc; chưa tích cực vệ sinh chuồng trại, môi trường; còn tự do đi lại từ khu vực có bệnh dịch đến khu vực không có bệnh dịch mà không kèm biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo...

Trước tình trạng đó, để nhanh chóng khống chế, ngăn chặn sự lây lan của bệnh trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh nêu giải pháp: Trước hết, huyện nghiêm khắc phê bình các địa phương, đơn vị có biểu hiện chủ quan, chưa quyết liệt vào cuộc; tiếp đó, huyện yêu cầu các xã, thị trấn, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của các cấp, ngành chuyên môn về công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, trong đó, cấp bách ra quân tổng vệ sinh môi trường, chuồng trại chăn nuôi.

Cùng với triển khai gấp các việc cụ thể, UBND huyện đã họp với 192 hộ chăn nuôi lớn trên địa bàn để tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh; giữ bằng được số lợn sinh sản... Phòng Kinh tế huyện, Trạm Chăn nuôi và Thú y cử toàn bộ lực lượng đến các khu dân cư, hộ chăn nuôi để điều tra bệnh, dịch; tuyên truyền về cơ chế xâm nhiễm, lây lan và các biện pháp phòng, chống bệnh. Các xã, thị trấn đã tổ chức cho 270 hộ ký cam kết không giết mổ, kinh doanh thịt lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Huyện chủ động bố trí kinh phí để hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân có lợn bị mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Sơn dồn lực chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi