Khởi sắc xã nghề Tam Hiệp

Ánh Dương| 31/03/2019 07:34

(NSHN) - Những năm qua, xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) luôn chú trọng phát triển nghề phụ nên hiện nay, phần lớn lao động trong độ tuổi ở xã đều có việc làm ổn định. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo chỉ còn 1,05%... Xã nông thôn mới Tam Hiệp đang ngày càng khởi sắc.

(NSHN) - Những năm qua, xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) luôn chú trọng phát triển nghề phụ nên hiện nay, phần lớn lao động trong độ tuổi ở xã đều có việc làm ổn định. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo chỉ còn 1,05%... Xã nông thôn mới Tam Hiệp đang ngày càng khởi sắc.

Đến với Tam Hiệp, ai cũng thấy hoạt động tấp nập của các xe vận tải chở hàng, những người thợ cặm cụi bên máy may, máy cắt vải… Cụm trưởng cụm dân cư số 4 Trần Huy Chắt chia sẻ: Khoảng chục năm trở lại đây, nghề may mặc phát triển mạnh, riêng cụm 4 có tới hơn 100 hộ gia đình mở xưởng may và 20 hộ làm nghề thêu, in trên vải bằng máy móc hiện đại. Sản phẩm may mặc của các hộ làm nghề đa dạng chủng loại, tùy nhu cầu khách hàng. Nhiều hộ đã đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị hiện đại với số vốn hàng tỷ đồng, như hộ ông Trần Huy Thành, Trần Huy Nam, Trần Quang Đức…

Ông Trần Huy Chiến (cụm dân cư số 4) cho biết, gia đình ông làm nghề may theo kiểu "cha truyền, con nối", ban đầu chỉ có 2-3 máy may, nay đã phát triển thành nhà xưởng và có thêm 3 máy cắt vải, tạo việc làm cho hơn 100 lao động với thu nhập 6-9 triệu đồng/người/tháng. Riêng công đoạn đơn giản nhất là gấp, đóng gói quần áo vừa dễ làm, lại phù hợp mọi lứa tuổi, cũng giúp lao động có thu nhập từ 3-4,5 triệu đồng/người/tháng.

Từ nghề may, một số loại hình kinh doanh, dịch vụ ở Tam Hiệp cũng phát triển theo như: Thu gom mua bán quần áo, vận tải... Ngoài ra, nhiều hộ đầu tư máy móc sản xuất chun, dệt mút, làm thú nhồi bông... Mỗi hộ làm nghề ở Tam Hiệp góp phần tạo việc làm ổn định cho 5-20 lao động với thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Có thu nhập ổn định, đời sống nâng cao, người dân Tam Hiệp tích cực đóng góp hàng tỷ đồng, hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng các công trình phúc lợi, công cộng của địa phương. Cụm trưởng cụm dân cư số 3 Nguyễn Văn Minh cho biết: Đường làng, ngõ xóm của cụm đều được bê tông hóa. Để giữ sạch, đẹp khu dân cư, nhân dân trong cụm còn góp tiền mua đèn lồng, cờ, hoa trang trí ở các tuyến ngõ vào những ngày lễ, Tết và trồng cây, hoa ven đường trục chính. Hay như ở cụm 4, cụm 5…, nhân dân tích cực góp hàng chục triệu đồng mua ti vi, loa, đài, bàn, ghế… cho nhà văn hóa cụm để phục vụ sinh hoạt cộng đồng.

Ông Hoàng Văn Kha, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp chia sẻ: Do mỗi tháng các hộ làm nghề may thải ra khoảng 100 tấn vải vụn, nên có tình trạng rác thải làng nghề bị vứt bừa bãi ở ven đường, bãi đất trống. Để giữ gìn cảnh quan, môi trường làng nghề, xã đang tuyên truyền và yêu cầu các hộ làm nghề may ký cam kết thu gom vải vụn, đưa đến điểm tập kết, đóng góp kinh phí để đơn vị thu gom vận chuyển mang đến nơi xử lý...

"Xã đang chờ được các cấp có thẩm quyền cho thực hiện quy hoạch xây dựng khu tiểu thủ công nghiệp làng nghề tập trung để tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu mở xưởng sản xuất lớn, nhằm phát triển mạnh hơn nữa ngành nghề của địa phương, tiến tới thành lập tổ hội làng nghề, xây dựng thương hiệu nghề may Tam Hiệp. Năm nay, xã phấn đấu giảm tiếp hộ nghèo, nâng thu nhập bình quân lên 53 triệu đồng/người/năm; tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ tăng 18% so với năm 2018…” - Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp Hoàng Văn Kha kỳ vọng.

Các hộ làm nghề may ở xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) mỗi năm sản xuất hơn 100 triệu bộ quần áo và thú nhồi bông các loại. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác, mà còn được xuất khẩu sang Lào, Trung Quốc... Tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp toàn xã hằng năm đạt hơn 500 tỷ đồng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi sắc xã nghề Tam Hiệp