Quận Nam Từ Liêm - Dấu ấn 5 năm xây dựng và phát triển

Võ Lâm Nguồn: thực hiện| 28/03/2019 06:31

(HNM) - Nhân dịp quận Nam Từ Liêm sẽ tròn 5 năm chính thức đi vào hoạt động (1/4/2014 - 1/4/2019), Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Hải đã dành cho Báo Hànộimới những chia sẻ về quyết tâm xây dựng và phát triển Nam Từ Liêm thành trung tâm mới, đô thị đáng sống của Thủ đô.

(HNM) - Ngày 1-4, quận Nam Từ Liêm sẽ tròn 5 năm chính thức đi vào hoạt động (1/4/2014 - 1/4/2019). Thời gian tuy không dài, nhưng sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận đã tạo nên những dấu ấn quan trọng. Nhân dịp này, Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Hải, người đảm nhận chức vụ đứng đầu cấp ủy từ ngày đầu thành lập quận đến nay đã dành cho Báo Hànộimới những chia sẻ về quyết tâm xây dựng và phát triển Nam Từ Liêm thành trung tâm mới, đô thị đáng sống của Thủ đô.

Quận Nam Từ Liêm ngày càng phát triển văn minh, hiện đại.


- Đồng chí cảm nhận như thế nào về sự thay đổi của quận Nam Từ Liêm hôm nay so với những ngày đầu thành lập? Đâu là những bước tiến nổi bật?

- 5 năm qua, được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo thành phố và quyết tâm của cả hệ thống chính trị quận, diện mạo đô thị Nam Từ Liêm đã có nhiều khởi sắc. Quận đã xây dựng và đề xuất cơ chế huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng. Nhờ đó, hệ thống hạ tầng khung, từ các tuyến giao thông huyết mạch đến ngõ, ngách, hệ thống cấp - thoát nước, điện… trên địa bàn đã có chuyển biến rõ nét.

Cũng có thể thấy rõ diện mạo đổi mới của quận qua sự hình thành, phát triển những khu đô thị mới. 5 năm là thời gian chỉ đủ bắt đầu lo thủ tục và xây dựng một tòa nhà chứ khó có được cả khu đô thị; nhưng quận đã có thêm 2 khu đô thị văn minh, hiện đại. Đó là Vinhomes Gardenia và Vinhomes Green Bay có quy mô, đẳng cấp ngang tầm các khu đô thị trong khu vực; sắp tới còn là Khu đô thị Vincity Sportia hứa hẹn rất đẹp và hiện đại, với quy mô diện tích trên 200ha, dân số 80.000 người.

Diện mạo của quận còn thay đổi từ những công trình nhằm đáp ứng nhu cầu còn thiếu của người dân như trạm y tế, nhà văn hóa, trường học, trụ sở... Hay đơn giản là những vườn hoa xinh xắn được bổ sung tại các khu dân cư, tạo không gian sống tươi mới. Chúng tôi mới làm được vài vườn hoa như vậy nhưng đã cho thấy nhiều giá trị tích cực. Cứ nhìn vào người dân sẽ thấy họ hân hoan thế nào, đây chỉ là khởi đầu, quận sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa trong thời gian tới.

Theo tôi, thước đo quan trọng nhất về những thay đổi của quận Nam Từ Liêm chính là từ sự cảm nhận của người dân. Qua tiếp xúc hằng ngày, trong công việc, tôi đều thấy sự hồ hởi, phấn khởi, tin tưởng của người dân.

- Khi về công tác tại quận, đồng chí cùng cán bộ và nhân dân phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng quận Nam Từ Liêm trở thành trung tâm mới, đô thị đáng sống của Hà Nội. Thực tiễn đang minh chứng sinh động điều đó. Đồng chí có thể nói rõ hơn về ý tưởng này?


- Khi mới từ Sở Quy hoạch - Kiến trúc về quận Nam Từ Liêm làm Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận, thực sự bản thân tôi cũng loay hoay, không biết bắt đầu từ đâu; suy nghĩ mãi, cuối cùng tôi quyết định, phát huy điểm mạnh nhất của mình là quy hoạch. Xem Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, tôi nhận ra rằng, quận Nam Từ Liêm và một phần quận Cầu Giấy, Thanh Xuân là trung tâm mới của Hà Nội.

Nắm được cơ sở này, chúng tôi bắt tay vào xây dựng chiến lược phát triển cho quận, xác định Nam Từ Liêm là trung tâm dịch vụ, hành chính, trụ sở các cơ quan Chính phủ, các trung tâm văn hóa thể thao và là nơi tập trung các dịch vụ chất lượng cao của Hà Nội; một trung tâm mới, đô thị đáng sống của Thủ đô.

Để thực hiện được mục tiêu đó, chúng tôi tập trung vào yếu tố con người. Nhưng là quận mới thành lập, cán bộ - như từ bản thân tôi suy ra, hầu hết thiếu kinh nghiệm, chuyên môn được đào tạo cũng chưa thật khớp với chức năng, nhiệm vụ. Chưa kể, “chất” làm việc của cán bộ cũng rụt rè, có xu hướng co lại... Làm thế nào để vượt qua?

Sau một thời gian tìm hiểu, học hỏi, tôi nhận ra rằng, con người Nam Từ Liêm có tài, nhưng còn đang “ngủ”, phải đánh thức dậy. Từ đó chúng tôi quyết tâm lấy tuổi trẻ và khát vọng, lấy mong muốn cống hiến làm tinh thần chủ đạo để xây dựng nguồn lực phát triển. Từ chủ trương đến hành động, chúng tôi “thổi lửa” vào công tác của từng cấp, từng ngành, truyền xuống cả người dân.

Bây giờ, hầu hết anh chị em đều có khát vọng, muốn cống hiến cho sự đi lên của quận, sẵn sàng nhận, hoàn thành nhiệm vụ khó. Và chúng tôi đã lựa chọn đúng - đây chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp quận Nam Từ Liêm có được những đổi thay hôm nay.

- Dấu ấn đậm nét về sự đổi mới của quận Nam Từ Liêm 5 năm qua là công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền thân thiện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xin đồng chí chia sẻ kinh nghiệm về nhiệm vụ này?

- Như tôi đã nói ở trên, với bộ máy gồm những con người có quyết tâm, khát vọng, mong muốn cống hiến, chúng tôi nhìn đâu cũng thấy cơ hội, nguồn lực, thấy kinh tế phát triển, cả hệ thống hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kinh nghiệm của quận trong cải cách hành chính là cấp ủy, chính quyền phải phát huy được nhiệt huyết, trách nhiệm và sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tích cực học hỏi kinh nghiệm hay của các địa phương khác.

Một điều rất quan trọng là phải gắn cải cách hành chính với đánh giá của người dân. Ngay từ những ngày tháng đầu tiên sau khi thành lập quận, chúng tôi đã triển khai việc này thông qua các hòm thư góp ý, sau này là sổ ghi cảm tưởng... Cán bộ nào bị phản ánh, phàn nàn là chúng tôi chấn chỉnh ngay.

Quận cũng là đơn vị đầu tiên triển khai mô hình chính quyền thân thiện: Gửi “Thư xin lỗi” các tổ chức, cá nhân khi giải quyết không đúng hẹn công việc; “Thư cảm ơn” tới những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển của quận; “Thư chúc mừng” tới các gia đình có việc hỷ, mừng thọ, có thêm thành viên mới; “Thư chia buồn” đối với các gia đình có việc hiếu…

Qua đó thể hiện sự quan tâm của chính quyền, cơ quan đối với tổ chức, cá nhân. Mỗi lần xuống phường kiểm tra đột xuất, khi xem sổ thấy những dòng cảm ơn của người dân, chúng tôi rất mừng và thêm động lực làm việc.

- Với quyết tâm xây dựng quận Nam Từ Liêm thành trung tâm mới của Thủ đô Hà Nội, đô thị đáng sống, đồng chí còn trăn trở, mong muốn và kỳ vọng điều gì trong thời gian tới?


- Trăn trở thì nhiều lắm. Nhưng trước tiên là làm sao cho đô thị Nam Từ Liêm phát triển đúng quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; làm cho đô thị ngăn nắp, sạch sẽ, có như thế mới có thể trở thành trung tâm mới của Thủ đô, đô thị đáng sống; đặc biệt, ở đây, người dân và chính quyền phải thật thân thiện, chan hòa; dân không ngại chính quyền, chính quyền công khai, minh bạch, gần gũi với dân.

Chúng tôi cũng đau đáu làm sao để nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bằng chính sức lao động của họ. Nhiều người chỉ có mức lương 4-5 triệu đồng/tháng thì làm sao để sống, để tái tạo sức lao động, lo cho gia đình và để khát vọng?

Điều chúng tôi trăn trở thứ hai là năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ. Mỗi địa phương phải là cánh tay nối dài của thành phố, của Chính phủ cùng nhịp đập chung của đất nước. Do đó cần có sự kết nối trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tôi rất mong chờ thành phố sớm được triển khai thực hiện Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.

Thứ ba, chúng tôi trăn trở những giải pháp về cơ chế để đô thị Nam Từ Liêm được lấp đầy, hoàn chỉnh, khắc phục tình trạng còn nhiều dự án “treo”, lãng phí đất.

Một điều trăn trở nữa là phải tìm cách tạo ra nguồn lực phát triển cho quận. Đó là kêu gọi đầu tư các dự án lớn, tạo ra các cực hút phát triển kinh tế của quận như các trung tâm dịch vụ chất lượng cao về y tế, văn hóa, giáo dục, vui chơi giải trí; hay các đại siêu thị mà thành phố đang thiếu như trung tâm kinh doanh ô tô, thiết bị y tế, vật liệu xây dựng; các trung tâm nghiên cứu công nghệ cao, các khách sạn 5 sao... Có được những dự án đó, quận sẽ trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, khách du lịch... Đó cũng chính là nguồn lực phát triển quận bền vững trong tương lai.

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi khát vọng xây dựng Nam Từ Liêm trở thành trung tâm mới của Thủ đô Hà Nội, đô thị đáng sống, là một trong những quận trẻ nhất thành phố, có tốc độ tăng giá trị sản xuất kinh doanh đạt 15,7%, trở thành quận không còn hộ nghèo. 5 năm được coi là nền tảng quan trọng để cất cánh, chúng tôi tin rằng, sự phát triển của quận sẽ bước sang một trang mới, ngày càng hiện đại, văn minh và giàu đẹp hơn.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quận Nam Từ Liêm - Dấu ấn 5 năm xây dựng và phát triển