Thanh Trì: Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Ánh Dương| 27/03/2019 08:25

(HNM) - Những mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao, trồng cây ăn quả chuyên canh tập trung... đã giúp mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Thanh Trì.

(HNM) - Những mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao, trồng cây ăn quả chuyên canh tập trung... đã giúp mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Thanh Trì. Nhiều mô hình sản xuất đã và đang giúp nông dân đạt hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập, đồng thời góp phần đưa nông sản an toàn tới người tiêu dùng.



Sau khi được đi học tập phương pháp trồng rau thủy canh ở một số tỉnh như Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Nam Định…, ông Nguyễn Mạnh Hồng (ở xóm 7, xã Yên Mỹ) đã quyết tâm bắt tay vào thực hiện và trở thành hộ gia đình trồng rau thủy canh đầu tiên trên địa bàn huyện Thanh Trì. Được sự hỗ trợ của huyện Thanh Trì, xã Yên Mỹ về kinh phí và mặt bằng sản xuất, mô hình trồng rau thủy canh với quy mô 5.000m2, diện tích nhà kính 2.600m2 của ông Hồng sớm hoàn thiện. Tháng 8-2017, mô hình bắt đầu đi vào sản xuất, trồng các loại rau như cải, muống, xà lách, cà chua bi, dưa chuột... với năng suất khoảng 2 tấn/lứa. Bình quân, mỗi năm ông Hồng sản xuất từ 10 đến 11 lứa rau, cho thu nhập xấp xỉ 800 triệu đồng, cao hơn 20 lần so với trồng rau truyền thống trên cùng một đơn vị diện tích... “Tiếng lành đồn xa”, rau thủy canh của ông Hồng không chỉ tiêu thụ ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, mà nhiều khách hàng ở những tỉnh, thành phố: Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Thái Bình... cũng tìm đến đặt hàng.

Một mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng khác cũng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao ở huyện Thanh Trì là trồng cây ăn quả ở xã Vạn Phúc. Từ năm 2012 đến năm 2015, sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, một số hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển sang trồng cam cảnh, quất cảnh, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, Vạn Phúc có hơn 80ha cam, quất, bưởi trồng tập trung thành vùng; hằng năm cung cấp cho thị trường hơn 10.000 cây cam cảnh, quất cảnh vào dịp Tết Nguyên đán, cho thu lãi khoảng 300 triệu đồng/ha/năm. Diện tích trồng cây bưởi ở địa phương này cũng bắt đầu cho thu hoạch với thu nhập khoảng 280 triệu đồng/ha/năm, cao hơn từ 6 đến 7 lần so với trồng ngô. Ông Đặng Bá Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Đại Lan (xã Vạn Phúc) cho biết, ngoài trồng bưởi, trên địa bàn xã còn có nhiều hộ trồng ổi cho thu nhập từ 12 đến 15 triệu đồng/tháng, như gia đình ông Phạm Thành Lê, bà Đặng Thanh Thủy... và tổng diện tích trồng ổi của địa phương hiện khoảng 5ha.

Trên địa bàn huyện Thanh Trì còn có các vùng trồng lúa chất lượng, tập trung ở các xã Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh, Đại Áng với tổng diện tích 354ha; các xã Yên Mỹ, Duyên Hà cũng đã thành lập những tổ, nhóm hộ liên kết chuỗi sản xuất rau an toàn...

Để duy trì chất lượng cây trồng, huyện Thanh Trì đã cấp lại giấy chứng nhận đối với 140,5ha rau an toàn và 50ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã giúp giá trị cây trồng trên 1ha canh tác ở Thanh Trì đạt 210 triệu đồng/ha/năm, góp phần nâng thu nhập bình quân toàn huyện lên 48,4 triệu đồng/người/năm...

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh, thời gian tới huyện tập trung định hướng, khuyến khích nông dân trên địa bàn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, duy trì và phát triển những vùng sản xuất hàng hóa nông sản chất lượng, nhằm nâng cao giá trị kinh tế và đáp ứng nhu cầu nông sản an toàn cho người tiêu dùng. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Trì: Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả