Đan Phượng tập trung phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, vui chơi giải trí

Nhật Hà| 21/03/2019 22:07

(NSHN) - Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức đoàn khảo sát gồm cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội Du lịch Hà Nội, doanh nghiệp lữ hành, các cơ quan truyền thông tới khảo sát và tọa đàm tìm giải pháp cho phát triển du lịch tại huyện Đan Phượng.

(NSHN) - Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức đoàn khảo sát gồm cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội Du lịch Hà Nội, doanh nghiệp lữ hành, các cơ quan truyền thông tới khảo sát và tọa đàm tìm giải pháp cho phát triển du lịch tại huyện Đan Phượng.

Đoàn khảo sát tham quan vườn ươm hoa lan Flora tại Đan Phượng. Ảnh: Hạnh Hồ


Tại tọa đàm “Thực trạng và giải pháp xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại huyện Đan Phượng” giữa đoàn khảo sát với UBND huyện, vấn đề được đặt ra là dù có nhiều tiềm năng, nhưng tiềm năng về du lịch của huyện Đan Phượng chưa được khai thác triệt để. Huyện chưa có những sản phẩm du lịch tiêu biểu được xây dựng trên cơ sở khai thác tài nguyên du lịch. Các sản phẩm du lịch chưa hình thành để được thống kê và xác định nguồn thu rõ rệt, chỉ mới sơ khai bước đầu. Trong công tác xây dựng các dự án trọng tâm phát triển du lịch, đã có những bước chuyển ban đầu.

Năm 2018, huyện đã triển khai Đề án xây dựng phát triển điểm đến du lịch xã Hạ Mỗ; hoàn thành các bước để tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử phục vụ phát triển du lịch văn hóa tâm linh, như dự án tu bổ, tôn tạo Đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác, xã Hạ Mỗ; đình Ngọc Kiệu, xã Tân Lập; chùa Đại Phùng, xã Đan Phượng; đình Sông, xã Đồng Tháp...; triển khai thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo tượng đài chiến thắng Chợ Gốc Ngô. Ngoài ra, huyện đã tiến hành phục chế, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa như đền thờ danh nhân Tô Hiến Thành ở Hạ Mỗ; chùa Đôi Hồi ở Song Phượng; chùa Tân Hải ở Trung Châu, quy hoạch không gian văn hóa phi vật thể lễ hội Chèo tàu. Cùng với đó, huyện đã tiến hành quy hoạch khu du lịch sinh thái vui chơi giải trí bãi nổi sông Hồng và từng bước triển khai dự án mới như đề án phát triển du lịch cộng đồng khu trung tâm huyện (bánh kẹo Song Phượng, nem Phùng) và khu ven sông Hồng (làng nghề mộc Liên Hà, Liên Trung).

Về hệ thống cơ sở lưu trú, huyện quan tâm đến việc hình thành hệ thống các khách sạn được xếp hạng 2 sao, bám sát quy hoạch vùng và quy hoạch phát triển đô thị.

Trong thời gian tới, dựa vào tiềm năng về lịch sử, văn hóa, Đan Phượng sẽ tạo dựng các sản phẩm du lịch mũi nhọn, chú trọng theo hướng du lịch văn hóa, sinh thái, vui chơi giải trí, ẩm thực. Ngoài ra, tại buổi tọa đàm, đoàn khảo sát cũng đề nghị huyện Đan Phượng chú trọng xây dựng sản phẩm đặc sắc thay vì dàn trải, đồng thời tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên trách về du lịch.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải khẳng định, Sở sẽ phối hợp với huyện Đan Phượng thống nhất nội dung để phát triển du lịch trong thời gian tới. Theo đó, hai bên phối hợp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về du lịch cho cán bộ địa phương và các hộ dân làng nghề, người làm du lịch; xây dựng chuẩn hóa thuyết minh về các điểm đến du lịch; lắp đặt thêm bảng biển chỉ dẫn. Sở cũng sẽ hỗ trợ Đan Phượng trong việc phổ biến thông tin du lịch thông qua website của Sở. Để đáp ứng việc quảng bá, huyện sớm chuẩn hóa và số hóa các dữ liệu gửi cho Sở Du lịch nhằm giúp công ty lữ hành, khách du lịch… dễ dàng tra cứu thông tin. Bên cạnh đó, huyện cũng cần xác định những điểm đến giàu tiềm năng để tổ chức phát triển du lịch; làm hồ sơ thẩm định để trình UBND thành phố công nhận điểm đến du lịch đạt chuẩn...

Trước khi diễn ra tọa đàm, đoàn khảo sát đã tới một số địa điểm trên địa bàn huyện như đền Văn Hiến, chùa Hải Giác, vườn ươm hoa lan Flora, khu sinh thái Phoenix Garden.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đan Phượng tập trung phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, vui chơi giải trí