Mô hình cần nhân rộng

Kim Vũ| 09/03/2019 07:38

(HNM) - Phát hiện, xử lý nghiêm hàng trăm mẫu thực phẩm không an toàn, dương tính với chất cấm; ý thức người sản xuất, kinh doanh được nâng cao; người tiêu dùng yên tâm hơn...

(HNM) - Phát hiện, xử lý nghiêm hàng trăm mẫu thực phẩm không an toàn, dương tính với chất cấm; ý thức người sản xuất, kinh doanh được nâng cao; người tiêu dùng yên tâm hơn... Đây là những kết quả sau thời gian thí điểm (từ năm 2016) và sau đó là thực hiện Đề án kiểm soát thực phẩm bằng xét nghiệm nhanh, xét nghiệm Labo giai đoạn 2018-2020 của quận Nam Từ Liêm. Mô hình này đang được đánh giá là hiệu quả và cần được nhân rộng ra các địa phương trên địa bàn thành phố.

Hiệu quả, thiết thực

Trong bối cảnh các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đang tăng nhanh trên địa bàn, phục vụ hơn 200.000 suất ăn/ngày nhưng nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm còn hạn chế, quận Nam Từ Liêm đã thí điểm triển khai mô hình trạm xét nghiệm nhanh tại các chợ của 10 phường. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm cho biết, qua các đợt kiểm tra, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm quận nhận thấy mối nguy hại của dư lượng thuốc trừ sâu trong rau, củ, quả là một vấn đề nhức nhối. Vì thế, các thiết bị tập trung vào kiểm tra nhanh dư lượng 2 nhóm thuốc trừ sâu độc hại trên rau, quả (nhóm phốt phát và cacbonat); kiểm tra hàn the trong giò, chả và phoóc môn trong bánh phở, bún, phẩm màu các thực phẩm chế biến sẵn.

Kết quả, trong năm 2016 có 25% (250 mẫu) số mẫu xét nghiệm nhanh dương tính; năm 2017 có 248/11.667 mẫu dương tính, đặc biệt có 210/3.323 mẫu rau, quả dương tính với dư lượng thuốc trừ sâu. Lực lượng thanh tra đã yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm khắc phục ngay vi phạm và kiên quyết chấm dứt hoạt động nếu tái phạm. Điển hình có thể kể đến vụ việc phát hiện thực phẩm đông lạnh hết hạn tại chợ Phùng Khoang. Qua đó, lực lượng chức năng đã tiến hành giải tỏa kho lạnh, đồng thời nghiêm cấm việc kinh doanh các thực phẩm đông lạnh.

Theo đánh giá của Phòng Y tế quận Nam Từ Liêm, qua thời gian thực hiện thí điểm, mô hình đã cho thấy rõ hiệu quả, giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua hàng ở các chợ. Chị Nguyễn Thị Hồng, một người dân phường Phú Đô cho biết: "Từ khi có trạm kiểm tra nhanh thực phẩm, tôi thấy yên tâm mỗi khi đi chợ mua thực phẩm cho gia đình. Đây là mô hình hiệu quả, thiết thực, cần được nhân rộng".

Chuyển biến trong ý thức người sản xuất, kinh doanh

Sau thời gian thí điểm, quận Nam Từ Liêm đã trình Đề án "Kiểm soát thực phẩm bằng xét nghiệm nhanh, xét nghiệm Labo tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn quận giai đoạn 2018-2020" và nhận được sự chấp thuận của các ngành chức năng thành phố. Đề án có hai nội dung: Triển khai xét nghiệm nhanh và xét nghiệm Labo chuyên sâu cho 11 loại thực phẩm; xét nghiệm nước uống tại các trường học trong quận. Qua đó sẽ đánh giá được thực chất về ngưỡng an toàn của thực phẩm, nước uống đang ở mức độ nào để có biện pháp phòng tránh hiệu quả.

Việc xét nghiệm thực phẩm được chia làm hai công đoạn. Công đoạn 1: Lấy mẫu thực phẩm và làm xét nghiệm nhanh tại các trạm xét nghiệm của 10 phường, sử dụng bộ test nhanh của Bộ Công an và thực hiện 10 loại test (dư lượng thuốc trừ sâu, hàn the, phoóc môn, phẩm màu, dấm, methanol, hypoclocid, salicylic, ure, sunfit). Ngoài ra bổ sung thêm độ ôi khét trong dầu mỡ, test thử tinh bột trong dụng cụ bát, đĩa, khay và đo độ pH của thịt. Công đoạn 2 là xét nghiệm tại các phòng thí nghiệm đối với các nhóm thực phẩm phục vụ việc truy xuất nguồn gốc, giám sát ngẫu nhiên hoặc trên cơ sở kết quả dương tính của xét nghiệm nhanh. Đây là bước kiểm tra chuyên sâu, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Bộ Y tế.

Bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế) cho biết, từ năm 2009, Sở Y tế Hà Nội đã tăng cường xét nghiệm nhanh 5 mẫu thực phẩm; cấp phát bộ test xét nghiệm nhanh cho 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, từ năm 2016, thành phố có 5 xe kiểm nghiệm được trang bị đầy đủ dụng cụ, hóa chất cần thiết để phục vụ xét nghiệm thực phẩm. Hà Nội cũng có hệ thống cảnh báo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018-2020, từ đó đưa ra các biện pháp cảnh báo nhanh cho cộng đồng.

Bà Hoàng Thị Minh Thu nhận xét, việc quận Nam Từ Liêm lập đề án, trong đó mở rộng thêm các mẫu xét nghiệm nhanh (từ xét nghiệm 5 mẫu phát triển thành 11 mẫu), đồng thời xét nghiệm chuyên sâu Labo bắt buộc do thành phố hoặc trung ương thực hiện sẽ là cơ sở tốt để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân sống trên địa bàn. “Trước khi thành lập đề án, quận đã xin ý kiến phản biện của các ngành chức năng thành phố. Các ý kiến đều đánh giá cao việc xây dựng, ý nghĩa và hiệu quả khi đề án đi vào hoạt động. Thành phố khuyến khích các địa phương thực hiện mô hình hiệu quả như quận Nam Từ Liêm”, bà Hoàng Thị Minh Thu nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, kết quả nổi bật khi triển khai đề án (từ tháng 7-2018) là trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, quận đã giao các phường chỉ tiêu xét nghiệm nhanh các mặt hàng: Rau, quả, giò chả sống chín, thịt bò khô, kim chi, dấm chai, bánh phở, hải sản… Kết quả cho thấy ý thức của người bán hàng đã thay đổi, nguồn gốc thực phẩm đã được bảo đảm hơn (có 24/320 cơ sở được kiểm tra bị xử phạt vi phạm).

Xét nghiệm thực phẩm chuyên sâu ở quận Nam Từ Liêm hiện là mô hình triển khai đầu tiên ở cấp quận, huyện trên địa bàn thành phố. Mong rằng, với hiệu quả đã khẳng định, mô hình sẽ được nhân rộng ở các địa phương khác trên địa bàn thành phố thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình cần nhân rộng