Thường Tín chú trọng tiêu chí môi trường

Đào Huyền| 01/03/2019 07:28

(HNM) - Môi trường là tiêu chí khó trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Xác định điều đó, ngay khi triển khai xây dựng nông thôn mới, Thường Tín đặc biệt chú trọng đến tiêu chí này với nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt, đạt hiệu quả cao...

(HNM) - Môi trường là tiêu chí khó trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Xác định điều đó, ngay khi triển khai xây dựng nông thôn mới, Thường Tín đặc biệt chú trọng đến tiêu chí này với nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt, đạt hiệu quả cao...

Gần 6 năm xây dựng nông thôn mới (từ năm 2012 đến tháng 9-2018), xã Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín) mới được công nhận là xã nông thôn mới. Theo Chủ tịch UBND xã Nghiêm Xuyên Hoàng Xuân Hữu, cùng với các tiêu chí khác, Nghiêm Xuyên xác định môi trường là tiêu chí khó, quan trọng, cần tập trung thực hiện. Bởi vậy, ngay từ khi triển khai chương trình, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã thường xuyên chỉ đạo cho các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, chi bộ, chính quyền các khu dân cư tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nông thôn, từng bước thay đổi nhận thức, thói quen, tập quán của cộng đồng về sự cần thiết thực hiện tiêu chí môi trường.

Cụ thể, xã đã triển khai mạnh các phong trào: Thu gom rác vào thứ bảy hằng tuần; trồng cây xanh tại các trường học, cơ quan, ven các tuyến đường... đến nay, những công việc này đã trở thành thói quen của mỗi người dân trong xã. Nhờ đó, các tuyến đường liên thôn, liên xóm, ngõ nhỏ, đường nội đồng… đều được bê tông hóa, khang trang, sạch đẹp; 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề... bảo đảm tuân thủ quy định về môi trường; 100% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh...

Cùng với Nghiêm Xuyên, xã Hồng Vân cũng trở thành điểm sáng của Thường Tín trong phong trào xây dựng nông thôn xanh, sạch, giải quyết hiệu quả tiêu chí môi trường. Điển hình là phong trào trồng cây xanh và thu gom rác thải. Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng, xã đã thuê đơn vị chuyên môn về tư vấn, thiết kế, xây dựng những tuyến đường xanh, mỗi tuyến đường tại Hồng Vân được trồng một loại cây. Được triển khai quyết liệt từ năm 2015, đến nay, Hồng Vân đã hình thành những tuyến đường cau vua, tuyến đường bằng lăng, tuyến đường điệp vàng, phượng, hoàng yến… đủ sắc màu, bốn mùa rực rỡ.

Cùng với tuyến đường hoa, tuyến đường xanh, Hồng Vân đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái. Qua đó, nhiều trang trại xanh, chăn nuôi, trồng rau an toàn... được hình thành. Đặc biệt, phát huy lợi thế từ nghề trồng cây cảnh, đến nay, Hồng Vân có hơn 10 hộ triển khai mô hình trồng hoa chất lượng cao với nhiều chủng loại hoa cho giá trị kinh tế khá, thân thiện với môi trường.

Ngoài trồng cây xanh, xây dựng đường làng, ngõ xóm sạch, đẹp, Thường Tín tập trung xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Uông Thị Phượng, huyện có hơn 100 làng nghề, trong đó có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời. Các làng nghề lại nằm xen kẽ trong khu dân cư nên thời gian qua, vấn đề môi trường nơi đây cũng là bài toán khó đối với Thường Tín trong xây dựng nông thôn mới. Nhận thức rõ điều đó, Thường Tín tập trung nhiều giải pháp mạnh: Trước hết, thanh tra, kiểm tra, xử phạt những cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường. Tiếp đó, trong chiến lược phát triển, Thường Tín tập trung xây dựng, quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề; quy hoạch xây dựng điểm bãi chứa chất thải xây dựng (tại hai xã Chương Dương, Thống Nhất) với diện tích 9ha; thực hiện dự án xử lý rác tập trung (tại xã Dũng Tiến); quy hoạch các điểm công nghiệp làng nghề tập trung: Sơn mài (xã Duyên Thái), mây tre đan (xã Ninh Sở), chăn - ga - gối - đệm (xã Tiền Phong), mộc (xã Vạn Điểm)… Nhờ vậy, đến nay, vấn đề môi trường tại các làng nghề của Thường Tín cơ bản được khắc phục.

Với loạt giải pháp quyết liệt, đồng bộ, đến hết năm 2018, Thường Tín có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện lên 24 xã (trong tổng số 28 xã). Với đà này, chắc chắn Thường Tín sẽ đạt huyện nông thôn mới trong tương lai gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thường Tín chú trọng tiêu chí môi trường