Tân Dân đẩy mạnh phát triển làng nghề

Bạch Thanh| 22/02/2019 07:26

(HNM) - Trong những năm qua, nhờ đẩy mạnh phát triển làng nghề, đời sống nhân dân xã Tân Dân (huyện Phú Xuyên) ngày càng nâng cao.

(HNM) - Trong những năm qua, nhờ đẩy mạnh phát triển làng nghề, đời sống nhân dân xã Tân Dân (huyện Phú Xuyên) ngày càng nâng cao. Năm 2018, giá trị thu nhập từ ngành nghề trên địa bàn xã đạt gần 400 tỷ đồng, thu nhập của người làm nghề đạt từ 50 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/người/năm...

Tân Dân hôm nay nổi bật với nhiều nhà cao tầng khang trang, những cột đèn cao áp, panô, biển hiệu rực rỡ hai bên đường bê tông như khu phố hiện đại; rộn rã nhất là âm thanh của cưa, đục, bào gỗ... từ các xưởng mộc. Thôn Đại Nghiệp - một trong những khu sản xuất lớn của xã Tân Dân - nhộn nhịp bởi hoạt động của các xưởng sản xuất. Từng đoàn ô tô chở hàng vào - ra liên tục. Thôn Đại Nghiệp có hơn 600 hộ thì đến 90% làm nghề, các hộ còn lại mở dịch vụ phục vụ làng nghề, thu hút hơn 1.000 lao động trực tiếp cùng nhiều lao động vệ tinh quanh vùng. Ở Đại Nghiệp có những nghệ nhân sở hữu trên dưới chục xưởng sản xuất, trung bình mỗi xưởng có hơn 10 thợ làm việc liên tục. Nhiều gia đình có 4-5 cửa hàng ở nội thành...

Không riêng thôn Đại Nghiệp, các thôn khác trong xã Tân Dân cũng phát triển rất mạnh nghề gỗ: Đồng Phố, Đồng Cả, Gia Phú… Ở Tân Dân, rất nhiều người giàu từ làm nghề, thu nhập trung bình của người làm nghề đạt từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng. Nghệ nhân, người thiết kế mẫu mã có thu nhập cao hơn... Bà Nguyễn Hương Dung ở Khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông) chia sẻ: "Khi gia đình tôi hoàn thiện biệt thự, toàn bộ nội thất: Tủ thờ, bàn ghế, giường, tủ... được thợ ở Tân Dân làm với giá cả phải chăng, chất lượng, mẫu mã đẹp".

Tại xưởng sản xuất của anh Hoàng Văn Nhanh ở thôn Đồng Phố, không khí lao động của nhóm thợ khá sôi động. “Xưởng của gia đình tôi luôn có vài chục lao động làm việc thường xuyên. Gia đình đầu tư máy móc vào các khâu nặng nhọc nên lao động chỉ tập trung làm công đoạn nhẹ nhàng hơn, như: Đánh bóng, phun sơn, lắp ráp… Sản phẩm của xưởng chúng tôi được khách hàng đánh giá bền, đẹp, giá cả phải chăng nên làm tới đâu, tiêu thụ hết tới đó” - anh Nhanh nói khá tự tin.

Trưởng thôn Đồng Phố Lê Văn Táo cho biết, thôn có hơn 300 hộ làm nghề mộc, trong đó có gần 100 xưởng sản xuất quy mô lớn.

Theo Chủ tịch UBND xã Tân Dân Nguyễn Trung Hội, hiện cả 7 thôn của Tân Dân đều làm nghề truyền thống với khoảng 2.500 hộ và đã được công nhận làng nghề. Thu nhập từ làm nghề tăng mạnh qua các năm và trở thành nguồn thu chính của người dân. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, làng nghề rất cần có mặt bằng sản xuất tập trung và chợ để giao thương. Mặt khác, việc hỗ trợ các hộ sản xuất xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường do phun sơn, bụi... cũng là vấn đề cần giải quyết. Còn nữa, hầu hết các xưởng đều tận dụng sân, vườn... trong khu dân cư nên rất khó mở rộng sản xuất. Cũng vì không có mặt bằng nên nhiều hộ tập kết nguyên liệu tràn ra đường đi trong thôn, xã... Việc này khiến chính quyền địa phương phải thường xuyên nhắc nhở, xử lý rất phức tạp.

Theo kế hoạch, năm 2019, xã Tân Dân cùng huyện Phú Xuyên và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu công nghiệp làng nghề (5ha), chợ nguyên liệu gỗ (7.000m2)… Hy vọng, tới đây, khi ổn định về mặt bằng và hạ tầng, nghề mộc ở Tân Dân sẽ phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tân Dân đẩy mạnh phát triển làng nghề