Ba Vì - điểm đến văn hóa hấp dẫn

Diệu Thu| 14/02/2019 07:25

Năm 2018, huyện Ba Vì đón 2,83 triệu lượt khách du lịch, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu đạt 336 tỷ đồng. Năm 2019, huyện Ba Vì phấn đấu đón 3,2 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt hơn 400 tỷ đồng.

(HNM) - Với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, huyện Ba Vì đang lưu giữ kho tàng di tích lịch sử, văn hóa giá trị. Cùng với cảnh sắc sông nước, núi non hùng vĩ, Ba Vì là một trong những địa chỉ du lịch - văn hóa hấp dẫn của Thủ đô và cả nước, nhất là dịp lễ hội mùa xuân này.

Nhiều di tích lịch sử văn hóa đặc biệt

Ba Vì là huyện có số di tích lớn nhất TP Hà Nội, với 394 di tích các loại, trong đó có 106 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp thành phố. Theo cố Giáo sư Trần Quốc Vượng: “Đình cổ nhất cả nước có 5 ngôi thì Hà Nội chiếm cả 5. Riêng Ba Vì có 3 ngôi, đó là: Đình Tây Đằng, đình Thanh Lũng và đình Thụy Phiêu. Ba ngôi đình này đều xây dựng vào đầu thế kỷ XVI dưới thời nhà Mạc”. 

Năm 2013, đình Tây Đằng đã được xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Đình thờ Đức Thánh Tản Viên Đệ Nhất Phúc Thần. Ngôi đình tọa lạc khuôn viên rộng, hướng về đền thờ Đức Thánh Tản trên núi Ba Vì. Điểm đặc biệt ở ngôi đình này là nghệ thuật điêu khắc với 1.300 họa tiết phản ánh nét văn hóa, ước vọng của người xưa cầu mong quốc thái dân an, mùa màng bội thu…

Đình Thanh Lũng do người dân 2 thôn Thanh Lũng và Vị Nhuế (xã Tiên Phong) xây dựng còn có tên khác là đình Hai Dân. Đình được xây dựng theo lối nghi môn trụ biểu. Đại đình dài 23,5m, rộng 13m, gồm 3 gian, 2 dĩ với 4 lá mái to, 4 đầu đao cong thanh thoát... Đình Thanh Lũng hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như: Thần phả “Tản Viên Sơn - Tam vị Quốc chủ Đại Vương sự tích”, hương án, long ngai bài vị thờ Đức Thánh Tản…

Nhắc tới Ba Vì là nhớ tới hình ảnh núi Tản, ngọn núi kỳ vĩ gắn liền với truyền thuyết về Sơn Tinh, về Đức Thánh Tản. Trên địa bàn huyện Ba Vì có 75 điểm thờ Tản Viên Sơn Thánh, tập trung nhiều nhất ở vùng núi Tản, sông Đà - nơi được coi là điểm phát tích của truyền thuyết. Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức khắp vùng xứ Đoài Ba Vì; trong đó 2 xã Minh Quang và Ba Vì (nơi có cụm di tích đền Thượng, đền Trung và đền Hạ). Đền Thượng hay còn gọi là Chính cung thần điện. Theo truyền thuyết và ngọc phả, đền Thượng xây dựng từ thời An Dương Vương, nằm ở độ cao 1.227m, bên sườn núi Ba Vì. Đền Thượng có kiến trúc rất độc đáo: Một mái lộ thiên lợp ngói và một mái ngầm dưới lòng tảng đá lớn… Đền Trung hay còn gọi là Trung cung, tọa lạc ở lưng chừng núi Ba Vì. Đền thờ bà Ma Thị Cao Sơn, vị thần chủ cai quản núi Tản Viên, mẹ nuôi của Đức Thánh Tản. Đền Hạ còn gọi là Tây cung, nằm dưới chân núi Tản, bên bờ sông Đà…

Cùng với hệ thống đình, đền, chùa phong phú, Ba Vì còn có rất nhiều nhà thờ họ xây dựng cách ngày nay hàng trăm năm, vẫn giữ nguyên kiến trúc, hiện vật quý hiếm, như: Gia phả, câu đối, đại tự, long ngai, sắc phong, khám thờ, hương án và nhiều đồ tế khác…

Chú trọng công tác bảo tồn

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, những năm qua, huyện Ba Vì đã trùng tu, tôn tạo 44 di tích lịch sử trên địa bàn. Trong năm 2017-2018, huyện đã đầu tư 22 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo di tích đình Cổ Đô; 15 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo di tích đình Đồng Bảng; 30 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo đình Đông Viên; 6 tỷ đồng chống xuống cấp 8 di tích lịch sử ở các xã, thị trấn…

Đặc biệt, để phát huy giá trị các di tích, huyện Ba Vì đã phục hồi thành công lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức chính lễ vào rằm tháng Giêng tại Cụm di tích đền Thượng - đền Trung - đền Hạ. Mỗi kỳ lễ hội thu hút hàng vạn người dân trong vùng và khách thập phương tham dự. Năm 2018, tục thờ Tản Viên Sơn Thánh tại Ba Vì đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc phục hồi, tổ chức lễ hội Tản Viên Sơn Thánh thể hiện sâu sắc đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", khơi dậy tinh thần yêu nước, đấu tranh chống thiên tai, giặc ngoại xâm của ông cha... Cùng với việc phục dựng các lễ hội, huyện Ba Vì đã kiểm kê, đề nghị cơ quan chuyên ngành lập hồ sơ trích ngang 12 di tích quan trọng…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, những năm qua, huyện luôn quan tâm công tác tuyên truyền, quản lý, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa… nhân dân đóng góp tâm sức tu bổ, tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị di tích... Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Ba Vì còn nhiều di tích có niên đại khởi dựng từ lâu đời đang bị xuống cấp nghiêm trọng, cần đầu tư tu bổ. Thời gian tới, huyện Ba Vì tiếp tục huy động các nguồn lực phục vụ việc tu bổ, chống xuống cấp đối với các di tích; trong đó, ưu tiên đầu tư các di tích đã được xếp hạng, di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, huyện đầu tư nhiều hơn cho công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu làm cơ sở cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba Vì - điểm đến văn hóa hấp dẫn