Thường Tín phát huy lợi thế "đất trăm nghề"

Đỗ Minh| 08/02/2019 07:45

(HNM) - Là vùng "đất trăm nghề" với sản phẩm phong phú, thị trường rộng, huyện Thường Tín có nhiều giải pháp cụ thể khai thác thế mạnh nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

(HNM) - Là vùng "đất trăm nghề" với sản phẩm phong phú, thị trường rộng, huyện Thường Tín có nhiều giải pháp cụ thể khai thác thế mạnh nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín) nổi tiếng với nghề mộc, chuyên làm sập gụ, tủ chè, bàn, ghế, giường, tranh gỗ, vỏ đồng hồ… Một trong những chủ xưởng mộc lớn ở Vạn Điểm - ông Nguyễn Đăng Tưởng cho hay, tại xưởng, thường xuyên có 28 đến 30 thợ chính và phụ với mức lương: Thợ chính 400.000 đồng/ người/ngày trở lên, tùy thời điểm; thợ khá 300.000 đồng/ người/ngày; thợ phụ 170.000 đồng/người/ngày. Trung bình mỗi năm, doanh thu từ cơ sở sản xuất đồ gỗ của gia đình ông Tưởng đạt khoảng 10 tỷ đồng.

Ở Vạn Điểm có rất nhiều cơ sở sản xuất đồ gỗ đạt doanh thu tương đương hoặc lớn hơn rất nhiều cơ sở của ông Tưởng. Theo thống kê của UBND xã Vạn Điểm, toàn xã có khoảng 80% số hộ dân tham gia làm nghề. Đặc biệt, những năm gần đây, cùng với mở rộng thị trường nội địa, Vạn Điểm chú trọng khai thác thị trường thế giới. Hiện, đồ gỗ mỹ nghệ của Vạn Điểm đã có mặt tại gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ (châu Âu, Mỹ, Lào...). Qua đó, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển với kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ lên đến hàng trăm triệu USD/năm.

Ngoài Vạn Điểm, Thường Tín còn có hàng trăm làng nghề đang phát triển. Theo thống kê của UBND huyện Thường Tín, toàn huyện có 126 làng nghề, trong đó có 48 làng nghề đã được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống. Đa số làng nghề của Thường Tín làm đồ thủ công mỹ nghệ. Sản phẩm được đánh giá cao về thẩm mỹ và giá trị kinh tế. Đơn cử, làng sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái) sản xuất tranh, đĩa, bình, khay... vừa làm đồ dùng, vừa để trang trí. Ngoài phương pháp truyền thống, các nghệ nhân còn ứng dụng sơn mài trên các nền khác nhau như: Vỏ dừa, cật tre, gốm sứ... Nghệ thuật sơn mài độc đáo của làng nghề Hạ Thái đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý xây dựng hồ sơ đa quốc gia trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể... Hay, các làng nghề tiện ở xã Nhị Khê, lược sừng Thụy Ứng (xã Hòa Bình)... đều có nhiều sản phẩm đẹp, độc đáo, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, hiện Thường Tín có 32 nghệ nhân nghề truyền thống được công nhận, trong đó nhiều người tuổi đời còn khá trẻ. Đặc biệt, trong số 48 làng nghề được UBND thành phố công nhận, có gần 13.000 cơ sở và hàng trăm doanh nghiệp tư nhân sản xuất trong lĩnh vực nghề truyền thống, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 40.000 lao động, chủ yếu là người địa phương. Nhờ phát triển làng nghề, năm 2018, giá trị thương mại - dịch vụ của Thường Tín đạt 9.002 tỷ đồng. Các làng nghề đã đóng góp rất lớn trong phát triển kinh tế địa phương và xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Thường Tín có 24/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhằm tiếp tục phát huy thế mạnh từ các làng nghề, cùng với quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề, Thường Tín định kỳ tổ chức các lớp dạy nghề và nâng cao tay nghề cho lớp trẻ, nhân rộng nghề đạt hiệu quả cao... Với nền tảng thế mạnh làng nghề, Thường Tín tiếp tục huy động nguồn lực xã hội để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, năm 2019, Thường Tín phấn đấu giá trị sản xuất dịch vụ - thương mại tăng 15,6%; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 14,3%; huy động các nguồn lực, đặc biệt là sự đóng góp từ các doanh nghiệp, cơ sở làm nghề... trong xây dựng nông thôn mới. Huyện Thường Tín cũng tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới, ít nhất có 1 xã đạt nông thôn mới nâng cao và hướng đến huyện nông thôn mới vào năm 2020...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thường Tín phát huy lợi thế "đất trăm nghề"