Phúc Thọ: Cần tiếp tục xử lý vi phạm về đất đai

Ánh Dương| 25/01/2019 07:26

(HNM) - Vài năm trở lại đây, huyện Phúc Thọ tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát và xử lý dứt điểm vi phạm đất đai, đặc biệt là những trường hợp tồn tại từ trước năm 2014.

(HNM) - Vài năm trở lại đây, huyện Phúc Thọ tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát và xử lý dứt điểm vi phạm đất đai, đặc biệt là những trường hợp tồn tại từ trước năm 2014. Tuy nhiên, trong năm 2018, một số địa phương vẫn chưa chuyển biến nên năm 2019 tiếp tục phải có giải pháp nhằm xử lý dứt điểm những vi phạm này.

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ, tính từ năm 2018 trở về trước, toàn huyện có hơn 900 trường hợp vi phạm trên tổng diện tích hơn 30ha với các hình thức: Xây nhà tạm, chuồng trại chăn nuôi, đào ao, đổ đất san nền, trồng cây lâu năm... trên đất nông nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu là huyện chưa có bản đồ địa chính hoặc đất nông nghiệp công ích nằm xen kẹt trong khu vực đất nông nghiệp giao đến hộ gia đình, quá trình quản lý địa phương chưa xác định ranh giới, vị trí. Ngoài ra, việc quản lý đất đai ở các xã còn lỏng lẻo, không lập đủ hồ sơ hoặc khi thay đổi cán bộ chuyên môn, hồ sơ địa chính không được bàn giao cụ thể…

Để khắc phục tồn tại, Huyện ủy, UBND huyện Phúc Thọ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tập trung kiểm tra, rà soát, thiết lập hồ sơ, xử lý dứt điểm vi phạm. Tính đến cuối năm 2018, toàn huyện có hơn 600 trường hợp tự khắc phục hoặc bị cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trên đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, tại các xã Ngọc Tảo, Long Xuyên, Sen Chiểu... trong năm 2018 chưa xử lý được trường hợp nào. Đơn cử, xã Ngọc Tảo có hơn 50 trường hợp được UBND xã giao thầu đất ao, hồ để nuôi thả cá ở các xứ đồng Hương Tảo, Phú Mỹ, nhưng các hộ đã tự xây công trình chuồng, trại chăn nuôi lợn, gà với diện tích 10-50m2. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tảo Nguyễn Trung Tình thừa nhận, địa phương chưa kiên quyết xử lý dứt điểm vi phạm...

Ngoài ra, ở nhiều địa phương, không ít hộ sau khi được giao đất để làm trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng (sau quá trình địa phương thực hiện dồn điền đổi thửa) chưa lập dự án chuyển đổi đã tự đào ao thả cá, xây chuồng trại chăn nuôi gà, lợn trên đất nông nghiệp. Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận Nguyễn Kim Hường cho biết, những hộ này chủ yếu xây nhà tạm ở các khu đồng Khoái, Giáp Hạ, Lươn 5... để chứa vật tư nông nghiệp và chuồng trại chăn nuôi với diện tích 30-50m2.

Trước thực trạng nêu trên, cuối tháng 12-2018, UBND huyện Phúc Thọ đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn và đơn vị chức năng huyện tăng cường công tác phối hợp, quản lý đất đai; rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm, định kỳ báo cáo kết quả xử lý vi phạm về UBND huyện trước ngày 20 hằng tháng… Theo đó, các xã đang đề ra nhiều giải pháp cụ thể. Chủ tịch UBND xã Ngọc Tảo Nguyễn Trung Tình cho hay, thời gian tới, xã tiếp tục vận động các hộ tự giác tháo dỡ công trình vi phạm. Nếu các hộ không chấp hành, UBND xã sẽ hoàn thiện hồ sơ, cưỡng chế tháo dỡ. Với những vi phạm nằm trong vùng quy hoạch chuyển đổi, các địa phương xin ý kiến chỉ đạo xử lý của UBND huyện...

Với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ xử lý dứt điểm vi phạm, Huyện ủy Phúc Thọ chỉ đạo UBND huyện thành lập 4 tổ công tác liên ngành kiểm tra, tổng hợp tình hình vi phạm; tăng cường các giải pháp đồng bộ và xây dựng kế hoạch cụ thể, sát thực tế... “Trước mắt, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là cán bộ, đảng viên có vi phạm cần gương mẫu, tự giác tháo dỡ công trình; đồng thời, yêu cầu Bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND các xã, thị trấn cam kết chỉ đạo xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm trong năm 2019 nhằm ổn định sản xuất, sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích theo quy định Luật Đất đai" - Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Việt Liên thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phúc Thọ: Cần tiếp tục xử lý vi phạm về đất đai