Xây dựng vùng lúa chất lượng cao tại Thanh Oai

Đỗ Minh| 18/01/2019 07:27

(HNM) - Để duy trì diện tích đất lúa, bảo đảm an ninh lương thực, giúp nông dân làm giàu, những năm qua, huyện Thanh Oai đã triển khai hiệu quả chương trình sản xuất lúa hàng hóa.

(HNM) - Để duy trì diện tích đất lúa, bảo đảm an ninh lương thực, giúp nông dân làm giàu, những năm qua, huyện Thanh Oai đã triển khai hiệu quả chương trình sản xuất lúa hàng hóa. Hiện, Thanh Oai trở thành vùng trồng lúa hàng hóa trọng điểm của thành phố với gần 70% diện tích lúa chất lượng cao.

Thời điểm này, nông dânxã Tam Hưng (huyện Thanh Oai) chuẩn bị gieo trồng lúa xuân năm 2019. Dự kiến, Tam Hưng gieo cấy khoảng 720ha lúa xuân, trong đó có 600ha lúa chất lượng cao với các giống chủ đạo: Bắc thơm số 7, lúa Nhật, Đài thơm 8… Theo Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên, diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao chiếm khoảng 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã. Lúa chất lượng cao cho thu nhập tăng so với giống lúa thường từ 20 đến 25%. Đặc biệt, từ năm 2014, được sự giúp đỡ của ngành Nông nghiệp Hà Nội, hợp tác xã đã xây dựng nhãn hiệu tập thể “Gạo thơm Bối Khê”. Từ khi có thương hiệu, giá trị gạo Tam Hưng cũng tăng lên và được nhiều người tiêu dùng biết đến.


Từ việc hình thành vùng trồng lúa chất lượng cao, Tam Hưng bước đầu triển khai hiệu quả mô hình trồng lúa theo chuỗi khép kín. Cụ thể, năm 2018, hợp tác xã đã liên kết với Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương gieo cấy 50ha lúa Đài thơm 8 và 30ha lúa Bắc hương 9; liên kết với Công ty cổ phần Gạo Bảo Minh gieo cấy 20ha giống lúa Tám hương sen (nhóm Japonica) và 30ha lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau thu hoạch, các doanh nghiệp đã thu mua hơn 700 tấn thóc tươi cho nông dân với giá 6.000 đồng/kg. Ngoài ra, hợp tác xã đã liên kết với một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH Đông Sơn, Công ty Thái Sơn, Công ty Trần Kim, Công ty Nicotex... nhằm tiêu thụ ổn định lúa gạo cho nông dân. Hiện, gạo thơm Bối Khê sau xay xát được đóng gói, có logo và nhãn hiệu sản phẩm hoặc đóng bao lớn theo yêu cầu của khách hàng, giá bán 30.000 đồng/kg gạo nếp cái hoa vàng và 18.000 đồng/kg gạo Bắc thơm số 7.

Tương tự, tại xã Thanh Văn, mô hình trồng lúa chất lượng cao với thương hiệu gạo “Bồ Nâu Thanh Văn” cũng cho hiệu quả kinh tế khá. Theo Chủ tịch UBND xã Thanh Văn Nguyễn Huy Oánh, hiện toàn xã có khoảng 435ha trồng lúa chất lượng cao, hiệu quả kinh tế đạt hơn 200 triệu đồng/ha. Đặc biệt, từ năm 2013, khi gạo Thanh Văn được xây dựng nhãn hiệu, giá trị kinh tế theo đó tăng lên, sức tiêu thụ gạo cũng tăng qua các đơn đặt hàng của doanh nghiệp khiến nông dân phấn khởi, yên tâm sản xuất.

Trong bối cảnh nhiều địa phương chuyển dần diện tích đất lúa sang các cây trồng khác do hiệu quả kinh tế từ cây lúa thấp thì việc thay đổi cơ cấu giống lúa là chuyển biến tích cực của nông dân và chính quyền các xã trên địa bàn huyện Thanh Oai. Trước đây, nông dân vốn quen sản xuất các loại lúa thường với năng suất, chất lượng gạo thấp dù chính quyền và các nhà khoa học khuyến cáo rất nhiều. Việc chuyển sang trồng giống chất lượng cao, thu nhập hơn hẳn đã thuyết phục được người dân từ bỏ giống cũ. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, hiện toàn huyện có khoảng 10.000ha trồng lúa chất lượng cao. Theo quy hoạch, Thanh Oai là vùng sản xuất lúa trọng điểm của Thủ đô. Tận dụng lợi thế đồng đất và kinh nghiệm của nông dân, thời gian tới, Thanh Oai tập trung sản xuất thử nghiệm nhằm tìm ra giống lúa có năng suất, chất lượng ổn định để nâng cao hiệu quả canh tác. Bên cạnh đó, huyện và các xã tăng cường mở các lớp tập huấn, nâng cao nhận thức và kỹ thuật canh tác giống lúa mới.

Với những vùng lúa đã hình thành và có thương hiệu, huyện phối hợp với các sở, ngành có chính sách thu hút doanh nghiệp cùng đầu tư sản xuất lúa theo hướng VietGAP, hữu cơ; đồng thời, tiến hành quảng bá, xúc tiến thương mại, bước đầu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng Thủ đô và trong nước; dần hướng đến xuất khẩu tới các thị trường khu vực và thế giới...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng vùng lúa chất lượng cao tại Thanh Oai