An Phú từng bước thoát nghèo

Ánh Dương| 30/12/2018 07:50

(HNM) - “Toàn bộ cơ sở hạ tầng giao thông, trường học… của An Phú đều do thành phố và huyện hỗ trợ. An Phú đang ngày một trở nên khang trang hơn.

(HNM) - “Toàn bộ cơ sở hạ tầng giao thông, trường học… của An Phú đều do thành phố và huyện hỗ trợ. An Phú đang ngày một trở nên khang trang hơn. Nhưng, cái nghèo vẫn chưa rời An Phú..." - Phó Chủ tịch UBND xã An Phú (huyện Mỹ Đức) Nguyễn Mạnh Ngự chia sẻ. Quả thực, vùng quê "chân chim bóng núi" An Phú vẫn đang từng bước thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới...

Trước đây, xã An Phú có tới 38% số hộ nghèo. Địa bàn xã nằm trong vùng trũng, mùa mưa thường bị ngập lụt nên chủ yếu “ăn chắc” một vụ lúa. Nhiều thôn không có nghề phụ, thu nhập chủ yếu trông vào đồng ruộng. Mạnh dạn tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế, trong các năm 2013-2014, An Phú quyết tâm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Các thôn: Đồi Dùng, Đồng Văn, Đức Dương, Phú Thanh… nhanh chóng thực hiện xong công tác dồn điền đổi thửa, đưa hàng trăm héc ta diện tích vùng đồng, vùng ngoài đê bao sông Mỹ Hà từ đất một vụ lúa, thường xuyên ngập úng vào mùa mưa... sang trồng sen, thả cá, nuôi vịt, gà...

Ông Hoàng Xuân Nội, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp An Phú chia sẻ: Nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi, mở rộng diện tích canh tác lên đến 3-4ha, cá biệt có hộ tới 10ha, đầu tư hàng trăm triệu đồng để thả cá, trồng sen, như gia đình các ông: Nguyễn Bá Nghĩa (thôn Đồng Văn), Trần Văn Xuất, Trần Văn Dần (thôn Đồi Dùng), Lê Văn Tiến (thôn Thanh Hà) chăn nuôi hàng nghìn con gia cầm… Nhờ vậy, nhiều hộ nông dân An Phú bắt đầu có thu nhập ổn định. Năm 2017, số hộ nghèo ở An Phú giảm, còn 25,5%.

Tuy nhiên, niềm vui chẳng được lâu, liên tiếp trong mùa mưa các năm 2017-2018, An Phú có hàng trăm héc ta bị ngập úng. Thanh Hà là một trong số những thôn chịu thiệt hại nhiều. Rồi nhiều khó khăn khác, như ở Đồng Chiêm, không có nghề phụ, đất nông nghiệp đã hạn hẹp, lại nằm trong vùng trũng hễ mưa là ngập nên cái nghèo cứ đeo đẳng. 

Không thể để nghèo mãi, người dân An Phú luôn tìm cách vươn lên. 40% số hộ ở thôn Thanh Hà cùng hàng trăm hộ dân trong xã được UBND xã và các cấp hội, tổ chức, đoàn thể hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, tiếp cận những khoản vay ưu đãi từ các nguồn vốn của Quỹ Khuyến nông, Ngân hàng Chính sách, quỹ của Liên minh Hợp tác xã thành phố để phục hồi kinh tế. Hằng năm, dư nợ của An Phú duy trì từ 17 đến 20 tỷ đồng.

Từ năm 2017 đến nay, An Phú có 43 hộ nghèo, cận nghèo được nhận bò sinh sản theo chương trình hỗ trợ giảm nghèo và khuyến nông chăn nuôi; 79 hộ nghèo được hỗ trợ, vay vốn để xây mới, sửa chữa và xóa nhà dột nát. An Phú cũng được Nhà nước đầu tư, bê tông hóa giao thông nội đồng và xây dựng thêm các trạm biến áp, đặc biệt là ở khu chuyển đổi, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của các hộ chăn nuôi gia cầm, nuôi trồng thủy sản.

“Đến nay, An Phú chỉ còn 13% hộ nghèo và 10,1% hộ cận nghèo. Năm 2017, thu nhập bình quân 16,6 triệu đồng/người/năm, nay đã vươn lên 22,2 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, An Phú mới đạt và cơ bản 15/19 tiêu chí nông thôn mới, còn những tiêu chí: Cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, thu nhập và đặc biệt là tiêu chí hộ nghèo vẫn đang là nỗi trăn trở của An Phú” - Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Mạnh Ngự cho biết.

Rõ ràng, với miền quê thuần nông, còn nhiều gian khó như An Phú, chuyện làm giàu không thể dễ dàng như nhiều vùng quê có nhiều lợi thế giao thương, giao thông, nghề phụ... Nhưng, với ý chí mạnh mẽ, sự chung sức của toàn dân trong xã cùng nhiều hỗ trợ từ nhiều cấp, nhiều ngành, chắc chắn, An Phú sẽ sớm đẩy lùi nghèo khó và tận dụng đặc thù vùng chiêm trũng, phát triển kinh tế với các mô hình trang trại, chăn nuôi thủy sản, thủy cầm...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An Phú từng bước thoát nghèo