Nét duyên nón lá Phú Mỹ

Phúc Bản| 25/12/2016 07:59

Từ lâu, chiếc nón lá đã đi vào thi ca, làm nên vẻ đẹp thuần khiết của người phụ nữ Việt, rồi len vào nỗi nhớ của mỗi người khi xa xứ.

Từ lâu, chiếc nón lá đã đi vào thi ca, làm nên vẻ đẹp thuần khiết của người phụ nữ Việt, rồi len vào nỗi nhớ của mỗi người khi xa xứ. Nương theo nỗi nhớ đi tìm, tôi ngỡ ngàng trước những nét đặc trưng của nón lá xuất xứ từ làng Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai...

Phần đông người dân Phú Mỹ ai cũng thành thạo làm nón lá. Những chiếc nón nhẹ nhàng thanh thoát được làm nên bởi những đôi tay tài hoa của người làng. Nghề làm nón lá ở Phú Mỹ có từ bao giờ thì không ai nhớ rõ, nhưng tổ nghề truyền dạy thì người Phú Mỹ ai cũng khắc ghi.

Ông Doãn Quang Tuyến, Trưởng ban tổ chức đình làng cho biết: “Cụ tổ nghề nón của làng Phú Mỹ là Huyền Dung công chúa. Sau khi khai khẩn lập ấp Sông Cốc mở mang thành làng Vân Ổ Sách, hình thành cụm cư dân, bà truyền dạy cho dân làm nón lá, may áo tơi lá để làm vật dụng cần thiết cho hoạt động sản xuất, tránh nắng, tránh mưa. Sau khi bà mất, nhân dân trong làng tôn là Đức thánh Mẫu, thờ phụng tại miếu Cốc (xóm Cốc ngày nay). Con trai bà là ông Đinh Thanh Hòa là vị Thành hoàng làng Vân Ổ Sách (làng Phú Mỹ). Khởi nguồn, nón được Huyền Dung công chúa truyền dạy mô phỏng theo cái chảo vẫn thường gọi là nón chảo rang. Công thức làm là dùng một sợi móc để khâu lá cọ già tạo thành chiếc nón chảo rộng vành" - ông Tuyến cho biết.

Hiện chiếc nón chảo rang được người Phú Mỹ trân trọng lưu giữ như một cổ vật tôn thờ trong miếu Cốc. Mặc dù chiếc nón ngày nay qua bao tháng năm bảo tồn và phát triển, hình thức và kết cấu đã thay đổi nhưng nón vẫn mang một đặc trưng: Duyên dáng và bền chắc, rất phù hợp với khí hậu khắc nghiệt. Nét khác biệt của nón lá Phú Mỹ là được làm bằng lá già (nguyên liệu chuyên dùng bện thành chiếc nón quai thao vùng Kinh Bắc), với chất liệu bền, đẹp, rẻ, phù hợp cho người dân vùng quê nghèo.

Lá nón được lấy từ những cây cọ trên rừng Phú Thọ. Điều đặc biệt, sợi khâu nón là chất liệu được tước lấy từ bẹ của cây móc vừa mềm và dai rất bền đẹp hơn hẳn các sợi chỉ ni lông công nghiệp. Một nét độc đáo khác, nhiều nơi làm nón với 20 nức vòng, còn nón làng Phú Mỹ chỉ có 16 lớp vòng khung. Con số 16 là kết quả của sự nghiên cứu lựa chọn qua nhiều năm cho đến nay đã trở thành một nguyên tắc không thay đổi, tạo cho nón lá Phú Mỹ nét thanh tú, cân đối với gương mặt người đội nón. Khuôn nón làm bằng tre ngà già khắc sẵn các khe đặt vòng nón đồng tâm.

Tiếp theo, người thợ xếp từng lá vào vòng nón, một lớp mo tre và một lớp lá nứa rồi khâu. Khâu là một công đoạn rất khó, vì lá dễ rách, nên chỉ những bàn tay khéo léo, có kinh nghiệm mới làm được. Bàn tay người thợ cầm kim đưa nhanh thoăn thoắt, nhưng mềm mại, từng mũi khâu thẳng, đều từ vòng trong và vòng ngoài, khâu từ chóp xuống, từng mũi một thít chặt. Để chiếc nón duyên dáng hơn, người ta còn thắt chỉ màu, nhôi màu, len màu để lồng quai nón.

Người dân làng Phú Mỹ vừa làm nông vừa làm lá nón với khoảng hơn 70% hộ làm nghề này nhưng trong gia đình chỉ có một hoặc hai người làm chuyên nghiệp nên thu nhập cùng lắm chỉ đạt 1,2-1,5 triệu đồng/tháng. Mặc dù thu nhập không cao, nhiều người đã chuyển làm nghề tiểu thủ công nghiệp và chăn nuôi để nâng cao thu nhập nhưng đa số vẫn duy trì nghề làm nón lá.

Theo thông lệ, cứ vào ngày 11 đến 13-11 hằng năm, người làng Phú Mỹ lại tổ chức tế lễ tổ nghề, hy vọng thế hệ mai sau luôn giữ vững và tâm huyết với nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nét duyên nón lá Phú Mỹ