Nếp học ở một làng khoa bảng

Nguyễn Mai| 25/12/2016 07:57

Làng cổ Nguyệt Áng, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì được sử sách ghi nhận, tôn vinh là một trong số 22 làng khoa bảng tiêu biểu của cả nước.

Làng cổ Nguyệt Áng, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì được sử sách ghi nhận, tôn vinh là một trong số 22 làng khoa bảng tiêu biểu của cả nước. Phát huy truyền thống cha ông, làng Nguyệt Áng hôm nay chỉ với hơn 300 hộ dân nhưng có hàng trăm người có bằng cấp từ cử nhân đến tiến sĩ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, đóng góp vào xây dựng quê hương.

Nguyệt Áng không phải là làng của người đỗ đạt sớm nhưng có nhiều người thi đỗ, tập trung trong khoảng thế kỷ XVII-XVIII. Tính từ người khai khoa của làng là cụ Nguyễn Danh Thự (đỗ tiến sĩ năm 1631) cho đến người đỗ tiến sĩ cuối cùng của làng là Lưu Quỹ (đỗ năm 1835), trải qua 204 năm, làng có 11 người đỗ tiến sĩ. Trong đó, có những dòng họ khoa bảng, nối đời đỗ đạt như: Cụ Nguyễn Đình Trụ đỗ tiến sĩ năm 1656; con của cụ là Nguyễn Đình Bách đỗ tiến sĩ năm 1683, em của cụ Nguyễn Đình Trụ là Nguyễn Đình Úc đỗ tiến sĩ năm 1700…

Lý giải tại sao một làng nhỏ lại có nhiều người đỗ đạt, Chi hội trưởng Người cao tuổi thôn Nguyệt Áng Nguyễn Đình Kiểm cho rằng: Nguyệt Áng là vùng quê chiêm trũng, sản xuất nông nghiệp khó khăn. Chính sự nghèo khó đã hun đúc người dân có chí hướng vượt lên để thoát nghèo mà hướng chính là đi học, đi thi, đỗ đạt để ra làm quan, thay đổi thân phận mình. Cụ Kiểm cho biết, để ghi danh tài năng, công đức của các vị tiến sĩ, cách đây gần 400 năm, cụ Nguyễn Quốc Chinh đã huy động toàn dân đóng góp xây dựng khu Văn Chỉ. Hiện khu di tích Văn Chỉ của làng còn lưu giữ 2 bia đá ghi tên tuổi, năm đỗ, chức quan của những người đỗ đạt. Hằng năm, đến ngày Xuân Tế và Thu Tế, Hội Tư văn của làng lại ra đây làm lễ. Truyền thống khoa bảng chính là động lực để các sĩ tử trong làng gắng công đèn sách, quyết tâm thi đỗ cũng như để các gia đình khích lệ, động viên và tạo điều kiện cho con em ăn học.

Nối tiếp truyền thống cha ông, làng Nguyệt Áng hôm nay chỉ với hơn 300 hộ dân nhưng có hàng trăm người đỗ đạt từ cử nhân đến tiến sĩ. Điển hình như gia đình cụ Nguyễn Danh Truy có 6 người con đều học hành thành đạt, công tác khắp các vùng miền cả nước. Khi xã Đại Áng phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, các con cháu cụ đã ủng hộ hơn 80 triệu đồng xây dựng đường ngõ, xóm và làm một tuyến đường xuống lăng Thành hoàng làng trị giá gần 100 triệu đồng. Còn theo Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Nguyệt Áng Nguyễn Thị Hợi: Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng người dân thôn Nguyệt Áng đã dành điều kiện tốt nhất cho con cái đi học. Điển hình như gia đình chị Trần Thị Ánh, chồng chị không may mất sớm, một mình làm lụng, xoay xở đủ kiểu cùng sự giúp đỡ của xóm làng lo cho 4 con ăn học đến nơi đến chốn.

Cũng theo bà Hợi, các dòng họ lớn trong thôn đều đã xây dựng được quỹ khuyến học nhằm động viên và trao thưởng cho con em trong họ có thành tích học tập cao. "Đối với thôn, chúng tôi vận động toàn dân đóng góp ít nhất 40.000 đồng/năm để duy trì quỹ khuyến học, tuyên dương, phát thưởng cho các em. Năm nay, làng phát thưởng cho gần 50 học sinh giỏi. Trước khi phát thưởng tại nhà văn hóa, các em được tập trung tại Văn Chỉ của làng để giáo dục truyền thống, kính báo với tổ tiên về thành tích học tập" - bà Hợi cho biết.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Đại Áng Trần Quốc Oai, tuy là làng nhỏ nhất xã nhưng các phong trào phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở thôn Nguyệt Áng không thua kém các thôn khác. Hiện ngoài làm ruộng, người dân còn làm nhiều nghề phụ, đời sống nhân dân ngày một khấm khá, các hộ dân tham gia đóng góp lớn vào xây dựng và duy trì thành tích xã nông thôn mới Đại Áng. Hiện nhân dân trong thôn mong muốn được Nhà nước cho phép đầu tư, tu sửa khu Văn Chỉ khang trang hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nếp học ở một làng khoa bảng