Huyện Ba Vì: Mở rộng chuyên canh quy mô lớn

Quỳnh Dung| 14/12/2016 06:43

Bằng sự nỗ lực, cộng với chính sách hỗ trợ của thành phố, huyện Ba Vì đã triển khai các đề án, mô hình phát triển nông nghiệp hàng hóa, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Bằng sự nỗ lực, cộng với chính sách hỗ trợ của thành phố, huyện Ba Vì đã triển khai các đề án, mô hình phát triển nông nghiệp hàng hóa, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bền vững, huyện cần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp trên cơ sở liên kết vùng theo hướng chuyên canh quy mô lớn.

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế của huyện Ba Vì năm 2016 là tổng giá trị Ngành Nông nghiệp đạt 9.338 tỷ đồng, trong đó trồng trọt chiếm 38,5%, chăn nuôi chiếm 61,5%. Để nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, Ba Vì đã triển khai các chương trình, mô hình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như: Hỗ trợ nông dân gieo sạ lúa được 4.000ha; hỗ trợ 300 triệu đồng thực hiện khảo nghiệm giống lúa chất lượng cao OR1, NA2… diện tích 90ha ở các xã Tòng Bạt, Sơn Đà, Vật Lại, Minh Quang…; khảo nghiệm giống ngô biến đổi gien 10ha tại xã Sơn Đà và 10ha khoai tây ở xã Phú Cường cho năng suất cao; xây dựng vùng rau an toàn với diện tích 15ha...

Ngoài ra, huyện hỗ trợ 9,7 tỷ đồng triển khai vùng sản xuất chuyên canh tập trung gồm: 50ha chè giống mới thay thế diện tích chè già cỗi tại xã Ba Trại; sản xuất lúa hàng hóa tại xã Phong Vân diện tích hơn 80ha; mô hình nuôi cá thâm canh tại xã Phú Cường diện tích 4,6ha cho thu nhập từ 230 đến 250 triệu đồng/ha… Để quảng bá và giới thiệu sản phẩm, huyện Ba Vì tập trung xây dựng, quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể các mặt hàng nông nghiệp có thế mạnh như: Khoai lang Đồng Thái, miến dong Minh Hồng, chè và sữa Ba Vì.

Tuy vậy, sản xuất nông nghiệp hàng hóa của huyện Ba Vì vẫn khó khăn do việc nghiên cứu, ứng dụng cải tiến khoa học, công nghệ của người dân vào sản xuất còn hạn chế, nhỏ lẻ. Ngoài ra, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ngô Vi Khả, một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo phát triển sản xuất, có nơi khoán trắng cho hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khó khăn, chưa nhân rộng các mô hình sản xuất cho hiệu quả cao; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc ngoài danh mục, chất cấm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Các HTX nông nghiệp chậm đổi mới, hoạt động kém hiệu quả, chưa thực hiện tốt vai trò liên kết giữa "bốn nhà" trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ và xây dựng thương hiệu còn thấp, một số sản phẩm khi có thương hiệu loay hoay tìm hướng phát triển. Chủ nhiệm HTX Dịch vụ và Kinh doanh Đồng Thái, xã Đồng Thái Phùng Quốc Lượng cho biết, mỗi năm HTX mua của nông dân 30 tấn khoai lang, nhưng so với sản lượng khoảng 4.000 tấn/năm thì việc tiêu thụ số lượng khoai lang còn lại rất khó khăn.

Năm 2017, xác định nông nghiệp là hướng phát triển chính để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Ba Vì phấn đấu tốc độ tăng trưởng từ 6% trở lên, giá trị sản xuất đạt 9.500 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, huyện tập trung cơ cấu lại nền nông nghiệp trên cơ sở liên kết vùng nhằm nâng cao giá trị, phát triển bền vững. Theo đó, huyện tiếp tục xây dựng mỗi xã từ 1 đến 2 vùng sản xuất hàng hóa như: Lúa chất lượng cao ở các xã Phú Phương, Cổ Đô, Phong Vân, Đồng Thái; vùng rau bản địa thâm canh hữu cơ vùng núi; cây thuốc Nam tại xã Ba Vì. Đồng thời, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với tiêu thụ nông sản; tăng cường công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm trong chăn nuôi. Để khuyến khích sản xuất nông nghiệp năm 2017, huyện tiếp tục tăng cường đầu tư, hỗ trợ cho người dân như: Hỗ trợ 50% giá giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt; 50% giá giống một số cây trồng vụ đông (ngô, khoai tây, bí đỏ, bí xanh); hỗ trợ chương trình cơ giới hóa nông nghiệp (máy làm đất, máy gặt) đối với xã làm tốt công tác dồn điền, đổi thửa...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Ba Vì: Mở rộng chuyên canh quy mô lớn