Các làng nghề Phú Xuyên hối hả vào vụ Tết

Sơn Tùng| 12/12/2016 07:03

Còn gần hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Không khí sản xuất tại các làng nghề của huyện Phú Xuyên diễn ra hối hả.

(NSHN) - Còn gần hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Không khí sản xuất tại các làng nghề của huyện Phú Xuyên diễn ra hối hả. Các cơ sở hoạt động hết công suất, mẫu mã, kiểu dáng thay đổi nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng...

Làng nghề da giày Phú Yên thời điểm này nhộn nhịp xe vận tải ra vào vận chuyển hàng trên các trục đường chính, rồi âm thanh của tiếng gõ búa, tiếng máy mài da giày vang lên không ngừng trong mỗi con ngõ nhỏ. Gia đình ông Nguyễn Văn Nam gắn bó với nghề làm giày da hơn 20 năm, bình thường 2 ngày xuất hàng một lần, nhưng tháng cuối năm, ngày nào cũng có người đến lấy hàng, doanh thu gấp 2-3 lần những tháng đầu năm. Các loại giày ở Phú Yên rất phong phú chủng loại và mẫu mã đẹp, có giá từ 100.000 đồng/đôi đến 1 triệu đồng/đôi.

Rời làng nghề Phú Yên, chúng tôi đến cơ sở sản xuất bỏng, kẹo truyền thống Thiệp Xuân ở xóm Chùa, thôn Cổ Hoàng, xã Hoàng Long. Cơ sở này đang tất bật nhập nguyên liệu như đường, nha, lạc, vừng… để sản xuất phục vụ thị trường Tết. Chủ cơ sở chia sẻ, sản lượng tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán tăng cả chục lần, nên khâu chuẩn bị nguyên liệu được đặt lên hàng đầu. Do đặc thù sản phẩm bánh kẹo truyền thống không chất bảo quản, nên sản xuất ra được mang đi tiêu thụ ngay.

Tại làng nghề cỏ tế Phú Túc, không khí làm việc ở cả 8/8 thôn diễn ra khẩn trương. Từ những em nhỏ tới cụ già đều cắm cúi đan thoăn thoắt những chiếc giỏ quà Tết. Ông Đặng Văn Bốn, thôn Lưu Xá chia sẻ, xu thế người tiêu dùng ngày Tết người tặng quà không muốn để quà trong túi ni lông, họ muốn bày biện trong những chiếc giỏ guột, mây tre xinh xắn, bắt mắt. Gia đình ông năm nay nhận được đơn đặt hàng là 2 vạn lẵng đựng hoa, quả các loại, nên phải thuê thêm các gia đình xung quanh để kịp tiến độ giao hàng. Bên cạnh đó, các cơ sở mỹ nghệ của ông Nguyễn Văn May, chủ yếu xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp… cũng dành một số mặt hàng phục vụ thị trường Tết.

Tương tự, làng nghề sản xuất hương trầm Văn Trai Thượng, xã Hoàng Long sản xuất hàng trăm lô hàng Tết, chuẩn bị đưa đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước để tiêu thụ. Hương nhang ở đây đều được làm từ các loại nguyên liệu thảo mộc cùng các vị thuốc bắc nên bảo đảm chất lượng và an toàn cho sức khỏe. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các làng nghề ở Phú Xuyên nâng công suất lên gấp 3-5 lần để phục vụ nhu cầu thị trường Tết. Tương tự, tại các làng nghề may mặc và đồ gỗ trên địa bàn cũng hối hả không kém.

Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa cho biết: 156/156 làng, cụm dân cư có nghề, 78 làng nghề đều duy trì và phát triển, trong đó có 40 làng nghề được TP Hà Nội công nhận là minh chứng cho sự hưng thịnh của đất nghề Phú Xuyên. Toàn huyện đã có 355 công ty, doanh nghiệp, 6 HTX tiểu thủ công nghiệp, 3 hiệp hội làng nghề và trên 23.500 hộ gia đình sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực làng nghề đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm các làng nghề tổ chức sản xuất mạnh nhất trong năm, đi kèm với lợi ích kinh tế cũng bộc lộ nhiều khó khăn bất cập như vốn, mặt bằng sản xuất, phòng chống cháy nổ, an toàn lao động, ô nhiễm môi trường…

Do đó, huyện Phú Xuyên tập trung chỉ đạo các xã tăng cường bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các làng nghề chế biến, sản xuất bánh kẹo; bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ đối với các làng nghề cỏ tế, mây tre đan, gỗ, mộc, may mặc, da giày… Các xã, thị trấn tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền tại các làng nghề sản xuất gắn với giữ gìn an ninh trật tự, văn minh nông thôn. Mặt khác, huyện đã và đang quan tâm chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề. Những lễ giỗ tổ nghề, vinh danh nghệ nhân, các lễ hội dân gian được tổ chức trang trọng, chu đáo, khích lệ niềm tự hào, khơi gợi sức sáng tạo của người dân làm nghề truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các làng nghề Phú Xuyên hối hả vào vụ Tết