Mô hình thoát nghèo của An Phú

Minh Phú| 28/08/2016 07:23

Trồng sen và nuôi dê đang được nhiều hộ dân ở xã nghèo An Phú (Mỹ Đức) lựa chọn để phát triển kinh tế.

Trồng sen và nuôi dê đang được nhiều hộ dân ở xã nghèo An Phú (Mỹ Đức) lựa chọn để phát triển kinh tế. Không mất nhiều công chăm sóc, không cần kỹ thuật cầu kỳ... những cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc thù An Phú nói trên đã phát huy hiệu quả giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo.

Đang là cuối vụ thu hoạch nhưng trên quãng đường hơn chục ki lô mét vào An Phú, sen hồng vẫn tỏa hương thơm ngát. Trên những cánh đồng bạt ngàn sen, thấp thoáng bóng người ra đồng thu hoạch hạt. Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Mạnh Ngự cho biết: Toàn xã đã mở rộng diện tích trồng sen lên 150ha ở các chân ruộng trũng, đầm, hồ, ao. Trồng sen dễ, không mất nhiều công như lúa nhưng cho giá trị cao hơn lúa gấp 3 lần nên người dân rất phấn khởi.

Nông dân An Phú trồng sen lấy hạt là chính. Trung bình mỗi sào trồng sen cho sản lượng 35-40kg hạt. Giá sen ổn định từ 35 đến 37 nghìn đồng/kg sen tươi và 55 nghìn đồng/kg sen khô giúp các hộ thu về 1,8-2 triệu đồng/sào. Trồng sen có ưu điểm nữa là chỉ cần một lần thả giống, các năm sau vẫn được thu mà không cần trồng lại. Anh Đinh Hữu Nam, thôn Đức Dương, trồng 3 mẫu sen cho biết: Gia đình nhận thầu quỹ đất 2 của xã để trồng sen từ 4 năm nay. Từ ngày trồng sen, kinh tế gia đình khá hơn hẳn. “Trước kia trồng lúa, mỗi sào thu hoạch được 2 tạ thóc, bán được 900 nghìn đồng nhưng bỏ ra bao công cày cấy, lúc nào cũng lo ngay ngáy bởi sâu bệnh và lũ rừng ngang tràn về. Không ít năm, lúa gần đến ngày thu hoạch còn bị mất trắng. Bây giờ trồng sen, có những ngày thu rộ chỉ 3 mẫu sen mang lại cho gia đình cả triệu đồng.

Nếu như những khu ruộng trũng được người dân năng động chuyển sang trồng sen thì trên những ngọn núi đá vôi, nhiều hộ dân nhận trồng rừng và nuôi dê núi. Cả xã hiện có 40 hộ nuôi dê với tổng đàn khoảng 800 con cho hiệu quả kinh tế cao. Ngay như gia đình Lê Văn Tiến, Trưởng thôn Thanh Hà, cũng nuôi 60 con dê. Anh Tiến sinh năm 1985, đã tốt nghiệp đại học nhưng vẫn chọn con đường về quê lập nghiệp. Ngoài dê, anh Tiến còn nuôi 5.000 con gà, 200 con vịt đẻ, hàng chục con bò, trâu nên mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Anh Tiến cho biết, nuôi dê so với các loài khác hiệu quả hơn nhiều bởi không tốn công chăm sóc, chi phí ít. Nuôi dê ở An Phú có được địa lợi là dựa vào những dãy núi đá, có thể thả dê lên núi tự leo trèo kiếm ăn, chỉ cho dê ăn thêm chút cám, uống thêm nước ấm và ít muối để dê nhớ đường về.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Mạnh Ngự, với diện tích hơn 2.200ha, bằng 1/10 diện tích toàn huyện, bao gồm cả diện tích đồng bằng và đồi núi. Trong đó, xã có 560ha rừng thuộc vùng đệm của rừng đặc dụng Hương Sơn và 800ha rừng trồng trên những dãy núi đá vôi rất thuận tiện cho việc người dân chăn nuôi dê núi. Là một trong ba xã nằm trong vùng “rốn” lũ của huyện Mỹ Đức, tiếp giáp với những dãy núi của tỉnh Hòa Bình, thường bị lũ rừng ngang tràn về nên cấy lúa không mấy hiệu quả, nhiều khi bị mất trắng. Khắc phục khó khăn trên, xã An Phú đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang nuôi dê và trồng sen bước đầu đạt kết quả cao. Là một trong hai xã đặc biệt khó khăn của Hà Nội, những mô hình mới trong phát triển kinh tế đã và đang lóe lên những tia sáng giúp người dân An Phú vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình thoát nghèo của An Phú