Phố làng Đồng Bụt

Phúc Bản| 21/08/2016 07:38

Thôn Đồng Bụt, xã Ngọc Liệp (Quốc Oai, Hà Nội) là làng Việt cổ với huyền tích về một vị "thánh tăng" cùng nhiều nét xưa còn đọng lại ở lễ hội đặc sắc vào mùa xuân.

Thôn Đồng Bụt, xã Ngọc Liệp (Quốc Oai, Hà Nội) là làng Việt cổ với huyền tích về một vị "thánh tăng" cùng nhiều nét xưa còn đọng lại ở lễ hội đặc sắc vào mùa xuân. Từ khi có Đại lộ Thăng Long qua làng, Cụm công nghiệp Ngọc Liệp mọc lên, Đồng Bụt có thêm điều kiện để phá thế thuần nông, xây dựng diện mạo phố làng.

Thôn Đồng Bụt có một không gian văn hóa hội làng trang nghiêm đậm màu sắc tâm linh bởi nghi thức tế lễ truyền thống. Bên mâm cỗ chay ở Đồng Bụt mọi du khách lại được nghe kể về huyền tích của "thánh tăng" Từ Đạo Hạnh, thấy ấm áp hơi thở thiền. Đó là câu chuyện mang đậm văn hóa Phật giáo.

Tương truyền, Đồng Bụt là quê ngoại của Đức thánh Từ Đạo Hạnh. Cách chùa Đồng Bụt 500m về hướng Tây Nam có khu vườn Nở, là nơi "thánh tăng" giáng sinh. Bài chùa Đồng Bụt và lễ hội vùng truyền thống trong cuốn Nguyệt Trí Văn Tập của Hòa thượng Thích Viên Thành viết: “Theo tài liệu của chùa thì Thánh mẫu Tăng Thị Ngọc Loan quê gốc ở làng này sinh ra thánh tại vườn Nở... Về sau, ngài tu đắc đạo, uy danh vang dội khắp nơi nên nhân dân ở đây mới xây dựng chùa lưu di tích, để chiêu mộ phụng thờ. Lễ hội Đồng Bụt được tổ chức muộn hơn so với chùa Thầy mấy ngày, từ 7 đến 10 tháng Ba âm lịch. Khi diễn ra lễ hội có tắm thánh (mộc dục) và tạ hội. Tế lễ cổ truyền, dâng hương tụng kinh và bơi thuyền rồng hát ví ở dưới ao trước cửa chùa”. Hằng năm, tại chùa Đồng Bụt dân làng tổ chức tế lễ thành kính để tưởng nhớ công ơn của "thánh tăng" và vùng địa linh đã sinh ra một thiền sư. Hơn nữa, làng còn có tên là Đồng Bụt (Đồng Phật) mang đậm ý nghĩa Phật giáo, vốn ít gặp trong hệ thống tên làng Việt cổ. Nhân dân ở đây khi đặt tên này phải chăng trong tâm thức văn hóa làng, thiền sư Từ Đạo Hạnh đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử khai hương?


Cây bồ đề tại đình Mẫu Đỗng Linh Từ, thôn Đồng Bụt, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai đã được công nhận Cây Di sản Việt Nam.


Chìm đắm trong không gian văn hóa lễ hội có huyền tích về vị thiền sư, nên người Đồng Bụt sống hiền hòa, cần cù chịu khó. Từ khi Đại lộ Thăng Long qua làng, cụm công nghiệp được hình thành, đất nông nghiệp bị thu hẹp, lao động dư thừa, thiếu kỹ năng, kiến thức chuyển đổi nghề mới, khiến Đồng Bụt đứng trước không ít khó khăn. Tuy nhiên, cấp ủy, cán bộ thôn dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền xã đã được tiếp sức để sáng tạo trong việc phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn.

Từ năm 2011, Chi bộ thôn ra nghị quyết xây dựng làng văn hóa bằng việc triển khai thực hiện quy ước làng, trong đó phấn đấu làm tốt nhiệm vụ trọng tâm là công tác văn hóa giáo dục, chăm sóc người cao tuổi, phát triển kinh tế bền vững, nhằm đạt mục tiêu, khôi phục nét đẹp cổ truyền, xây dựng làng văn hóa trong thời kỳ đổi mới. Thôn Đồng Bụt đã lấy ban, ngành, đoàn thể làm nòng cốt, tích cực cùng nhân dân tham gia vào các phong trào như: Đổi mới việc cưới việc tang, duy trì phát huy nét đẹp trong lễ hội truyền thống: Khuyến học, mừng thọ. Từ năm 2011 đến nay, các mặt công tác cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu đặt ra, trong đó, đáng chú ý là mục tiêu chăm sóc người cao tuổi (Toàn thôn có gần 60 cụ độ tuổi từ 60 trở lên). Chi ủy phối hợp với Chi hội Người cao tuổi thôn tổ chức mừng thọ cho các cụ có chẵn tuổi và mừng thọ tuổi 60 tròn. Các cụ được mừng thọ tại đình làng vào dịp Tết trang trọng và tiết kiệm. Trong không khí ấy, Câu lạc bộ Thơ của các cụ ra đời với hình thức sinh hoạt (Bình thơ); giao lưu hội thảo với các câu lạc bộ thơ trong và ngoài xã.

Những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tích cực này đã giúp các cụ sống khỏe để con cháu học hỏi noi theo. Và nhờ thế, Đồng Bụt hôm nay có thể tự tin trở thành một phố làng trong lộ trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Quốc Oai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phố làng Đồng Bụt